Khuyết tật... giới

Có những nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai, chỉ biết cam chịu, tủi hổ và tự trách mình kém may mắn. Đó là tình cảnh chung của những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính.

Ai cũng ngỡ ngàng

Một người phụ nữ (xin được giấu tên) với gương mặt buồn bã, hai mắt mọng nước đến tìm gặp các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi – Bệnh viện Việt Đức. Một lần, tình cờ phát hiện con mình có bất thường ở bộ phận sinh dục, chị giấu chồng, lặng lẽ đưa con đi khám. Cũng như chị, xuất phát từ tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ sự đàm tiếu của xã hội nên những gia đình chẳng may có con/cháu bị dạng khuyết tật này thường giấu giếm mọi người.

Có người âm thầm tìm hiểu thông tin những mong tự “cứu mình”, trong khi những người khác thì hy vọng trong nỗi phấp phỏng rằng con/cháu mình lớn lên sẽ phát triển đúng giới. Nhưng, không ít trường hợp, vì những khuyết tật rất khó nhận biết bằng mắt thường hay bằng cảm nhận nên để lỡ mất cơ hội khám chữa kịp thời cho trẻ.

Mới đây, khoa Phẫu thuật Nhi Bệnh viện Việt-Đức tiếp nhận trường hợp một phụ nữ được chuyển từ bệnh viện khác tới. Chị đã 23 tuổi mà chưa có kinh nguyệt nên đi khám chữa. Và, kết quả thật không ngờ, thay vì phải có hai buồng trứng, chị lại có... hai tinh hoàn. Chị bàng hoàng, ngơ ngác, hóa ra “chị” không phải là nữ mặc dù bộ phận sinh dục ngoài trông hoàn toàn như nữ giới...

Đã có trường hợp, hôn nhân tan vỡ cũng vì vợ chồng đổ lỗi cho nhau trong việc có con bị khuyết tật. Tâm lý người trong cuộc nặng nề vô tình khiến đứa trẻ rơi vào trạng thái tủi thân, cô độc, ngày càng thu mình trong những “ốc đảo” riêng.

Cần xác định đúng giới tính

Việc khám lâm sàng để xác định đúng giới tính là rất quan trọng. Quá trình khám bao gồm việc quan sát hình dáng, phong thái trò chuyện để tìm hiểu tính cách, sở thích và kiểm tra bộ phận sinh dục của bệnh nhân. Khuyết tật giới tính bao gồm khuyết tật về gien và khuyết tật ở bộ phận sinh dục.

Những khuyết tật về gien gây nên tình trạng lưỡng giới cho bệnh nhân, bao gồm lưỡng giới thật và lưỡng giới giả nam hay nữ. Bệnh nhân lưỡng giới thật là những người có cả tổ chức buồng trứng và tinh hoàn ở trong cơ thể, bộ phận sinh dục của họ cũng “nửa nọ nửa kia”, hoặc thiên về nữ/nam nhiều hơn.

Nam lưỡng giới giả là tuyến sinh dục của người bệnh chỉ có tổ chức tinh hoàn, còn nữ lưỡng giới giả là tuyến sinh dục của người bệnh chỉ có tổ chức buồng trứng cho dù bộ phận sinh dục ngoài của họ ở trạng thái bán nam bán nữ..

Để phát hiện bệnh nhân lưỡng giới thật hay giả không hề đơn giản. Bởi, những người này tuy là nam/nữ nhưng lại có biểu hiện đối lập với giới thật của mình. Ví dụ: Một bệnh nhân nữ có bộ phận sinh dục ngoài biểu hiện  như của một chàng trai bị dị tật lỗ tiểu lệch thấp. Ở mức nặng hơn, âm vật nhìn không khác gì dương vật. Tuy nhiên, trong cơ thể “chàng trai” ấy lại có hai buồng trứng, tử cung, tuyệt nhiên không có tổ chức tinh hoàn. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp cắt lớp, nội soi ở bụng, soi hay chụp ống niệu dục ngược dòng để kiểm tra xem có âm đạo đổ vào niệu đạo không. Qua thăm khám  hệ thống sẽ xác định rõ đúng giới của bệnh nhân.

Trong các dạng khuyết tật bộ phận sinh dục ở nam thì dị tật lỗ tiểu lệch thấp khá phổ biến. Lỗ tiểu, thay vì nằm ở đỉnh quy đầu dương vật lại nằm ở mặt dưới dương vật, bìu, tầng sinh môn khiến bệnh nhân... phải đái ngồi. Những dị tật dạng này rất dễ nhận biết nhưng vì tâm lý e ngại nên có người để đến khi lấy vợ mới dám...thú nhận và nhiều người ở tuổi vị thành niên hay trưởng thành mới đi chữa bệnh.

Xử lý khuyết tật

Việc phẫu thuật chữa những khuyết tật giới tính được tiến hành dựa trên các tiêu chí: Trước hết, chức năng sinh sản của bệnh nhân được đặt lên hàng đầu, nghĩa là bệnh nhân phải sinh sản được ở giới sau phẫu thuật. Tiêu chí thứ hai là bảo vệ chức năng sinh hoạt tình dục. Trường hợp người nữ lấy chồng nhưng không có con nêu trên là một ví dụ cho việc áp dụng tiêu chí này. Tuy cơ thể của cô có hai tinh hoàn nhưng lại bị nữ hóa hoàn toàn, tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng nên không thể có con. Vì thế, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ hai tinh hoàn, điều trị nội tiết tố nữ cho bệnh nhân để cô sống với giới tính nữ.

Tiêu chí cuối cùng mới là theo nguyện vọng của bệnh nhân. Họ tuy là nữ/nam nhưng hình dáng bên ngoài có thể đối lập với giới đó, giấy khai sinh, tên, quan hệ xã hội... tất cả đều đã quá quen thuộc với họ. Chính vì thế, họ có nguyện vọng được phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng/tinh hoàn để cuộc sống vẫn diễn ra yên bình như vốn có.

Bệnh nhân nên được phẫu thuật ngay từ khi 1 tuổi – 3 tuổi. Đó là lúc trẻ còn nhỏ, chưa ý thức rõ về giới tính, thuận lợi cho việc điều trị, phục hồi và cho tương lai về sau. Quan trọng nhất là giải tỏa tâm lý cho bản thân trẻ, bố mẹ và hai bên gia đình.

Công tác chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sau sinh ở Việt Nam mới được bắt đầu trong vài năm trở lại đây. Chính vì thế, những khuyết tật bẩm sinh về giới tính vẫn còn là bài toán khó đối với yêu cầu cần được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, có những khuyết tật ở trẻ bằng mắt thường, bằng cảm nhận của đôi tay bác sĩ cũng có thể phát hiện được. Hơn nữa, với những người đã trưởng thành, hoàn toàn không nên vì e ngại, giấu giếm mà làm mất đi cơ hội được phẫu thuật càng sớm càng tốt, không để lại hậu quả nghiêm trọng về sau.
 

- Trong tổng số bệnh nhân đến điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhi – BV Việt Đức, nam giới mắc các khuyết tật bẩm sinh ở dạng thực thể (bộ phận sinh dục) nhiều hơn nữ giới.

- Dị tật lỗ đái thấp là dạng phổ biến nhất trong các khuyết tật giới tính, ước tính, cứ 200-500 người đàn ông thì có 1 người bị mắc khuyết tật này.

(Bài viết có sự tư vấn của PGS – TS Trần Ngọc Bích, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, BV Việt Đức)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên