Kịch bản nào cho sự phục hồi nền kinh tế thế giới?

Nhiều thống kê thực tế cho thấy, nền kinh tế thế giới “phục hồi nhanh hơn mong đợi”. Tuy nhiên, về xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới vẫn còn những dự báo khác nhau.  Chữ V, U hay W?

Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của các quốc gia và tổ chức kinh tế quốc tế trong thời gian gần đây đều phản ánh những biểu hiện tích cực của nền kinh tế thế giới sau hơn một năm lâm vào khủng hoảng. Song, kịch bản nào là chủ đạo vẫn đang còn là một ẩn số. Chữ V, U hay W? Dự báo chính xác thật sự có ý nghĩa đối với các quyết sách điều hành vĩ mô nền kinh tế của các quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.

Sự phục hồi kinh tế thế giới theo hình chữ V là sự phục hồi nhanh, mạnh các chỉ số tăng liên tục. Sự phục hồi theo hình chữ U là phục hồi diễn ra từ từ, tuần tự hơn và sự phục hồi theo hình chữ W là phục hồi theo kiểu tăng trưởng trong một thời gian (có thể vài tháng hay vài quý) kế đến lại là sự sụt giảm, sau đó lại tăng trưởng trở lại. Các chuyên gia dự báo đều dựa trên những lập luận trên cơ sở các chỉ số thống kê đánh giá tiềm năng của các nền kinh tế và kinh nghiệm lịch sử của các cuộc khủng khoảng kinh tế mà thế giới đã đi qua.

Kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn mong đợi

Về kịch bản phục hồi kinh tế theo hình chữ V, những chuyên gia tán thành dự báo này lập luận rằng: Mỹ là nền kinh tế đầu tàu thế giới với quy mô lớn chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, sự sụt giảm nhanh chóng trong giai đoạn khủng hoảng cũng đồng nghĩa với sự mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi. Kinh tế Mỹ cũng đã từng bị suy thoái mạnh nhất sau thế chiến 2 nhưng đã được tiếp nối bởi những thời kỳ phục hồi khá mạnh.

Trong cuộc suy thoái 1981-1982, sản lượng kinh tế Mỹ đã tăng vọt với tốc độ kỷ lục bình quân gần 6% mỗi năm. Tại Mỹ, những tháng gần đây thị trường nhà đất đã phát đi tín hiệu bình ổn, tốc độ sa thải nhân công cũng chậm lại. Đa số các nhà dự báo cho rằng, GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng dương vào các quý cuối năm.

Những chuyên gia có quan điểm thận trọng hơn lại cho rằng, nguồn gốc dẫn tới lần suy thoái này khác với trước đây và là cơ sở cho sự phục hồi yếu ớt, thậm chí là phục hồi để rồi lại rơi vào suy thoái tiếp (theo hình chữ W). Bởi vì cuộc suy thoái lần này là kết quả của khủng hoảng tài chính, của chính sách cho vay dưới chuẩn; khủng hoảng cơ cấu kinh tế.

Những con nợ sau khủng hoảng cần phải cải thiện tình hình tài chính của họ và các hệ thống tài chính cũng cần có thời gian để phục hồi; cải cách cơ cấu kinh tế cũng không thể một sớm một chiều, do đó, tăng trưởng sẽ diễn ra từ từ trong vài năm. Điều này cũng đã từng diễn ra ở Nhật Bản vào thập niên 1990 khiến kinh tế nước này rơi vào trạng thái đình trệ trong hơn 10 năm sau đó, việc tăng thuế vào năm 1997 đã làm cho kinh tế Nhật lâm vào suy thoái kéo dài.

Nhiều chuyên gia cho rằng phục hồi kinh tế theo hình chữ V chỉ có thể diễn ra trong ngắn hạn nhờ được trợ lực bởi các gói kích cầu của các chính phủ mà các doanh nghiệp bắt đầu tăng sản xuất trở lại. Tại các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á, sự tan băng của lĩnh vực tài chính thương mại, thị trường chứng khoán khởi sắc và những gói kích thích kinh tế lớn đang là nguồn lực cho sự phục hồi.

Với sự đi đầu của Trung Quốc, các nền kinh tế đang nổi lên ở khu vực châu Á đang có sự phục hồi nhanh hơn cả. Quý 2 và quý 3 nhiều nền kinh tế tại khu vực này đã tăng trưởng với tốc độ 10%-14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong mấy tháng qua, GDP của Đức tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nền kinh tế lớn khác của thế giới cũng đã trở về với tốc độ tăng trưởng dương, dù con số khiêm tốn hơn so với những gì châu Á đạt được. GDP của Nhật quý 2 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong bản báo cáo dài 24 trang đăng trên website của mình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết tín hiệu phục hồi đã khá rõ ràng ở Mỹ. GDP dự kiến tăng 1,6% trong quý III và đạt tốc độ 2,4% vào 3 tháng cuối năm. Tốc độ tăng trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ phục hồi với mức 2% vào quý 4 năm nay.

Tại Pháp và Đức, sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp không sa thải nhân công, cũng như trợ cấp cho người mua xe, đã tạo ra nhu cầu cho cả sản xuất và tiêu dùng. Với sự gia tăng của các đơn đặt hàng xuất khẩu và sự phục hồi niềm tin, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này ngày càng hứa hẹn nhiều thông tin tích cực hơn. Trong mấy tháng qua, GDP của cả Đức và Pháp cùng tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Mỹ, hơn 1.000 tỷ USD kích cầu cũng đang phát huy hiệu quả. Chương trình thưởng cho những người thay xe cũ (cash for clunkers) đã giúp tăng sản lượng của các hãng xe và cũng sẽ ngừng cắt giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, sự phục hồi dựa trên kích cầu của chính phủ sẽ chỉ có giới hạn.

Sự phục hồi kinh tế thế giới theo hình chữ U được các chuyên gia cho đây là kịch bản có tính dài hạn.

Thị trường nhà đất Mỹ có thể trượt dốc trở lại một khi số vụ tịch biên nhà tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cao gây tác động tiêu cực, và chính sách tín dụng thuế tạm thời đang áp dụng cho người mua nhà chấm dứt. Thậm chí cả khi thị trường nhà đất bình ổn, chi cho tiêu dùng vẫn chưa thể mạnh do các hộ gia đình phi dồn tiền trả nợ. Do đó, chính sách vừa kích cầu vừa kêu gọi tiết kiệm chi tiêu của Tổng thống Obama là có cơ sở.

Vì vậy, tại Mỹ và những nền kinh tế khác ở châu Âu, sự phục hồi theo hình chữ V dường như là điều không tưởng. Ở một số nền kinh tế khác, sự phục hồi theo hình chữ V chỉ đạt được nếu nhu cầu nội địa của khu vực tư nhân tăng trưởng mạnh sau khi những gói kích cầu của chính phủ kết thúc. Tại Nhật và Đức, nơi tỷ lệ thất nghiệp được dự báo còn tăng cao, điều này càng khó có thể phục hồi theo mô hình chữ V.

Tình hình khả quan hơn tại những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. Tuy vậy, chính phủ ở những nước này vẫn cần thực hiện nhiều biện pháp khích cầu tiêu dùng nội địa. Vì vậy, sự phục hồi theo hình chữ U với cái đáy dài và phẳng, thể hiện sự tăng trưởng từ từ, có thể sẽ là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất đối với kinh tế toàn cầu trong vài năm tới, ít nhất là cho đến 2015.

Như vậy, kịch bản phục hồi của nền kinh tế thế giới có thể sẽ diễn ra là: Chữ V cho ngắn hạn, chữ U cho dài hạn, và có sự đan xen chữ W đối với một vài nền kinh tế./.

Nguyễn Nhâm

** Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thị Thu Hường: Tình hình kinh tế thế giới sau Hội nghị thượng đỉnh G20 và một số dự báo. TC Kiến thức quốc phòng hiện đại, số 9/2009, tr73.

2. Song Linh: Kinh tế thế giới phục hồi nhanh hn mong đợi.

3. Kinh tế Mỹ đang phục hồi chậm

4. Đức Tâm: Thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới - mục tiêu của Hội nghị G20. Cập nhật ngày 24/9/2009

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên