Kinh tế Nga mất gần 100 tỷ Ruble mỗi ngày do đại dịch Covid-19
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Reshetnikov cho biết, kinh tế nước này đang mất đi gần 100 tỷ Ruble mỗi ngày do ảnh hưởng của Covid-19.
Ngày 24/4, trả lời phỏng vấn trong chương trình “60 phút” trên kênh truyền hình Rossia-1, Bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế Nga Maksim Reshetnikov đã thông báo như vậy. Ông bày tỏ hy vọng rằng, “các khoản đầu tư đang diễn ra tại các bệnh viện hiện nay, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cũng là các khoản đầu tư vào nền kinh tế”.
Bộ trưởng Reshetnikov cũng dự báo rằng, thâm hụt ngân sách Nga trong năm 2020 có thể lên tới 5% GDP và sẽ được bù đắp bằng các khoản dự trữ tích lũy, các khoản vay. Ông cũng lưu ý rằng, tổng quy mô của gói hỗ trợ cho nền kinh tế Nga lên tới 2,1% GDP và theo ước tính mới của Bộ Tài chính là khoảng 2,8% GDP.
Theo Bộ trưởng, ngay khi tình hình dịch tễ học cho phép, một phần doanh nghiệp sẽ có thể khôi phục hoạt động, đặc biệt là các tiệm làm tóc, khách sạn, phục vụ ăn uống. Điều này cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp, bởi vì các biện pháp hạn chế đã thực hiện để chống dịch dẫn đến đóng băng nền kinh tế. Trong suốt thời gian này nền kinh tế tiếp tục chịu chi phí, trong điều kiện không có thu nhập, nên nó tạo ra chi phí nhất định. Do đó sớm hay muộn sẽ phải mở lại các hoạt động của nền kinh tế.
Ông Reshetnikov nhấn mạnh rằng, chính phủ sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ xã hội đối với người dân, bất chấp sự biến động của giá dầu. Các biện pháp hỗ trợ được thực hiện ở Nga để hỗ trợ nền kinh tế của đất nước trong điều kiện đại dịch có thể so sánh với mức trung bình của châu Âu.
Trước đó Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Bộ Tài chính đã dành 1.400 tỷ Ruble, tương đương 1,2% GDP cho kế hoạch chống khủng hoảng đầu tiên để chống lại dịch Covid-19.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan giám sát và bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng Liên bang Nga , cho biết, Chính phủ Nga có thể thắt chặt các biện pháp hiện có để hạn chế tiếp xúc của người dân, nếu họ không tuân thủ những biện pháp này nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Bà Anna Popova cũng lưu ý rằng nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 và sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới trong tương lai là rất cao nếu các biện pháp được đưa ra không được thực hiện trong ít nhất 14 ngày.
Bà Popova nhấn mạnh khả năng cần phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cứng rắng hơn: “Nếu chúng ta không thuyết phục được người dân tuân thủ mọi yêu cầu và mọi hạn chế ở từng giai đoạn, chúng ta sẽ trở lại điểm khởi đầu. Và có lẽ, mặc dù không muốn, song chúng ta sẽ lại phải thực hiện các biện pháp cứng rắn để hạn chế sự tương tác, tiếp xúc giữa mọi người”.
Theo bà Anna Popova, sẽ là cần thiết "để tính toán với thực tế là virus đang song hành với chúng ta. Người đứng đầu Rospotrebnadzor cũng nhấn mạnh rằng virus có thể lây nhiễm bất kỳ ai trong bất cứ lúc nào với hậu quả không chỉ hiển hiện trước mắt, mà còn để lại di chứng về sau.
Bà Anna Popova nhấn mạnh, hiện nay nhiều người chưa nhận thấy hậu quả của căn bệnh này. Theo bà Popova, sau một thời gian nữa chúng ta sẽ đối mặt với thực tế là những người bị bệnh với các biểu hiện lâm sàng, sẽ đối mặt với một số vấn đề khác về sức khoẻ. Cuộc sống của người dân sẽ không thể trở lại như trước cho đến khi có được miễn dịch trong cộng đồng, hoặc miễn dịch sau khi bị bệnh hoặc miễn dịch sau khi tiêm vaccine./.