Kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết

Lễ kỷ niệm diễn ra vào lúc 21h theo giờ Việt Nam ngày 5/9, tại Beograde, Cộng hòa Serbia.  

Đây là một sự kiện quan trọng nhìn lại nửa thế kỷ hình thành và phát triển của Phong trào–một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình, và đấu tranh thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới.

Các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra trong hai ngày 5 và 6/9, gồm phần lễ kỷ niệm chung, các hoạt động đi thăm một số địa điểm tại Beograde – nơi cách đây 50 năm đã diễn ra Hội nghị Cấp cao đầu tiên của Phong trào Không liên kết (năm 1961).

Các Bộ trưởng Ngoại giao các nước Không liên kết họp tại Bali (Indonesia) tháng 5/2011

Theo thông báo của ban tổ chức, cho đến thời điểm này, có gần 100 đoàn đại biểu đã có mặt tại Serbia để chuẩn bị tham dự Lễ kỷ niệm.

Hội nghị sẽ đánh giá lại quá trình phát triển của Phong trào nửa thế kỷ qua, định hướng cho con đường phát triển của Phong trào trong thời gian tới.

Hội nghị cũng phân tích tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, thảo luận những thách thức mới đối với Phong trào cũng như các biện pháp tăng cường sự đoàn kết, tính năng động và vai trò của Phong trào trong bối cảnh quốc tế mới. Bên lề Lễ kỷ niệm, cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động gặp gỡ song phương.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh dẫn đầu sẽ tham gia Hội nghị. Dự kiến, đoàn sẽ có 8 cuộc gặp gỡ song phương để bàn về những vấn đề mà Việt Nam và các nước đối tác cùng quan tâm.

Trả lời phỏng vấn Đài TNVN trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng Lê Lương Minh nhấn mạnh: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, Việt nam sẽ tiếp tục phấn đấu tham gia một cách hiệu quả, thực chất vào công việc của Phong trào Không liên kết.

Việt Nam cũng sẽ tích cực phối hợp cùng các nước không liên kết phấn đấu duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, tạo dựng môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển của các dân tộc thông qua việc thúc đẩy đối thoại để ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp, xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên