Kỳ vọng vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN

VOV.VN - Việt Nam cần phát huy khả năng dẫn dắt, giúp khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và quốc tế.

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ASEAN. Năm 2020, trong vai trò kép, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vượt qua thách thức, Việt Nam cần phát huy khả năng dẫn dắt, giúp khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và quốc tế, đây là khẳng định của Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh ASEAN.

Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh ASEAN.

PV: Trong suốt 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của khối, vì hoà bình, ổn định chung của khu vực, đặc biệt vào vào năm 2010, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ nhất. Xin Đại sứ điểm lại và đánh giá về những đóng góp lớn của Việt Nam cho ASEAN những năm qua.

Đại sứ Trần Đức Bình: Có thể nói là kể từ khi gia nhập ASEAN (7/1995) tới nay, Việt Nam luôn là quốc gia thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN. Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng ASEAN. Trước hết, Việt Nam tham gia đóng góp vào việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển các quyết sách lớn của ASEAN trong nhiều năm. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đề xuất một số sáng kiến và đã được hiện thực hoá như cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng mở rộng (ADMM+), thành lập Uỷ ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN. Trong hợp tác với các đối tác ASEAN năm 2010, chúng ta tạo được đồng thuận về quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á cho Nga và Mỹ tham gia. Chúng ta luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng ASEAN.

Năm 2019, Việt Nam thúc đẩy việc thông qua, hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ, xây dựng lộ trình cắt giảm hàng rào phi thuế quan và kết thúc đàm phám Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và sẽ được kí năm 2020 tại Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam tham gia tăng cường đối ngoại giữa ASEAN với các đối tác. Một trong kết quả quan trọng là chúng ta cùng các nước thành viên đã xây dựng và thông qua quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giúp hình thành lập trường chung của ASEAN về vấn đề này, thúc đẩy hợp tác với các nước trên cơ sở phù hợp với các giá trị của ASEAN. Một trong những nội dung mà các nước quan tâm là chúng ta đang cùng đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông và đảm bảo đây là một văn kiện hiệp lực, hiệu quả. Năm 2019, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

Có thể nói là trong 25 năm qua và trong thời gian gần đây, chúng ta ngày càng tham gia rất tích cực trong các hoạt động hợp tác và liên kết với ASEAN, tăng cường củng cố đoàn kết, thống nhất trong ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hợp tác, hoà bình và ổn định trong khu vực.  

Thái Lan chuyển giao chức Chủ tịch Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN cho Việt Nam (13/12/2019).

PV: Đã có kinh nghiệm trong năm chủ tịch ASEAN 2010, quay lại với vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức và cơ hội như thế nào thưa Đại sứ?

Đại sứ Trần Đức Bình: Mỗi một giai đoạn luôn có thách thức và thuận lợi đan xen. So với giai đoạn 10 đến 20 năm về trước, cái thuận lợi nhất là ASEAN đã trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn, có vai trò quan trọng ở khu vực. ASEAN giờ đã là một tổ chức gắn kết hơn, một cộng đồng đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên. Đồng thời với đó là thách thức. Làm sao để làm sâu sắc hơn mối liên kết khu vực, khẳng định, duy trì vị trí, vai trò ASEAN ở khu vực trong nhiều vấn đề, từ liên kết kinh tế cho tới đảm bảo hoà bình, an ninh khu vực.

Thế nhưng có lẽ thách thức lớn nhất với ASEAN hiện nay là diễn biến nhanh chóng ở khu vực và thế giới, đặc biệt sự cọ xát Mỹ-Trung trong lĩnh vực thương mại hay lĩnh vực địa chính trị khác. ASEAN hiện nay đang phải cùng tập trung tìm cách ứng xử sao cho hiệu quả nhất, đảm bảo sự đoàn kết ASEAN và đảm bảo các diễn biến không ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN. Đó là thách thức ở tầm vĩ mô. Ngoài ra, ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức cụ thể như biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, quản lý biên giới, chia sẻ nhận thức về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, không chỉ về biên giới lãnh thổ mà còn cả thương mại.

Bản thân nội tại ASEAN cũng vậy, vừa có thách thức, vừa có thuận lợi. Hiện nay một trong những thách thức ASEAN làm sao củng cố, tăng cường hiệu quả bộ máy để tăng sự thích ứng ASEAN trong việc giải quyết vấn đề nóng ở khu vực, tăng cường duy trì nỗ lực về hợp tác Cùng năm chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng tham gia với tư cách uỷ viên ko thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là nhiệm vụ kép rất nhiều thách thức và thuận lợi. Chúng ta có thuận lợi là có thể tăng cường vai trò, vị thế không chỉ của Việt Nam mà cả ASEAN trên diễn đàn quốc tế Liên Hợp Quốc, gắn kết hợp tác ASEAN- Liên Hợp Quốc. Chúng ta sẽ có điều kiện chia sẻ, làm hài hoà mục tiêu phát triển bền vững 2030 với mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN 2025.

PV: Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì vào năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, thưa Đại sứ?

Đại sứ Trần Đức Bình: Có lẽ kỳ vọng lớn nhất là làm sao có thể dẫn dắt thúc đẩy triển khai những kế hoạch hành động để thực hiện xây dựng cộng đồng ASEAN. Đó là điều quan trọng nhất với ASEAN. Làm sao phát huy vai trò dẫn dắt và tạo nhận thức, đồng thuận chung với ASEAN trong nhiều vấn đề, từ khu vực đến quốc tế đến vấn đề an ninh, hoà bình, ổn định. Chúng ta phải có cách thức phát hiện, tìm biện pháp tăng cường thể chế ASEAN giúp ASEAN vận hành trơn chu hơn, hiệu quả hơn.

PV: Tại sao Việt Nam lại chọn chủ đề “Chủ động và thích ứng”cho năm ASEAN 2020 và ưu tiên nào được cho là quan trọng nhất, thưa Đại sứ?

Đại sứ Trần Đức Bình:  Chúng ta đã xác định chủ đề năm chủ tịch ASEAN 2020 là "Gắn kết, chủ động, thích ứng" thể hiện mong muốn của chúng ta trước một ASEAN đoàn kết, đứng vững trước tác động của tình hình quốc tế, khu vực. Mối quan hệ giữa đoàn kết và ứng phó có quan hệ biện chứng. Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực chủ động, thích thức với các cơ hội và thách thức. Khả năng chủ động thích ứng chỉ được phát huy khi ASEAN đoàn kết và gắn kết chặt chẽ với nhau. Với vai trò chủ tịch của mình, chúng ta đã đề ra năm ưu tiên để thực hiện chủ đề này và ưu tiên tăng cường liên kết nội khối.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh ASEAN. Xin chúc Đại sứ và phái đoàn đạt nhiều thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hợp tác kinh tế: Trụ cột chính trong quan hệ Việt Nam-ASEAN
Hợp tác kinh tế: Trụ cột chính trong quan hệ Việt Nam-ASEAN

VOV.VN - Thực hiện trọng trách của Chủ tịch ASEAN đòi hỏi Việt Nam phải có những quan điểm nhất quán, rõ ràng cả về khía cạnh đối ngoại, chiến lược phát triển.

Hợp tác kinh tế: Trụ cột chính trong quan hệ Việt Nam-ASEAN

Hợp tác kinh tế: Trụ cột chính trong quan hệ Việt Nam-ASEAN

VOV.VN - Thực hiện trọng trách của Chủ tịch ASEAN đòi hỏi Việt Nam phải có những quan điểm nhất quán, rõ ràng cả về khía cạnh đối ngoại, chiến lược phát triển.

Chủ đề năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”: Trúng và đúng!
Chủ đề năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”: Trúng và đúng!

VOV.VN - Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, chủ đề Việt Nam đưa ra cho năm ASEAN 2020 là trúng và đúng, sẽ được các nước thành viên ủng hộ.

Chủ đề năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”: Trúng và đúng!

Chủ đề năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”: Trúng và đúng!

VOV.VN - Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, chủ đề Việt Nam đưa ra cho năm ASEAN 2020 là trúng và đúng, sẽ được các nước thành viên ủng hộ.

Việt Nam sẵn sàng điều phối các hoạt động của ASEAN 2020
Việt Nam sẵn sàng điều phối các hoạt động của ASEAN 2020

VOV.VN - Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN. 

Việt Nam sẵn sàng điều phối các hoạt động của ASEAN 2020

Việt Nam sẵn sàng điều phối các hoạt động của ASEAN 2020

VOV.VN - Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN.