Làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Indonesia chưa kết thúc
VOV.VN - Tròn một năm đại dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia, các chuyên gia nhận định, làn sóng COVID-19 đầu tiên tại quốc gia này vẫn chưa kết thúc.
Làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Indonesia chưa kết thúc
Ngày 2/3/2020, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên. Sau 1 năm, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 1.341.314 ca, trong đó có 1.151.915 người đã phục hồi và 36.325 người đã tử vong.
Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Indonesia, ông Wiku Adisasmito nhận định, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia có số dân đông thứ 4 thế giới có xu hướng ngày một tăng và làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Indonesia chưa kết thúc. Sự bùng nổ các ca mắc COVID-19 và việc xử lí chậm trễ của chính phủ đã đưa Indonesia lên đầu danh sách các quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á cho tới thời điểm hiện tại.
Trở lại thời gian đầu, khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019 và lây lan ra nhiều quốc gia khiến cả thế giới lo lắng thì một số Bộ trưởng và thậm chí Phó Tổng thống Indonesia đã xem nhẹ. Họ tuyên bố COVID-19 không thể xâm nhập Indonesia vì một số lí do thiếu tính thuyết phục. Chỉ tới khi COVID-19 đã thực sự xâm nhập sâu vào nước này thì chính sách Giới hạn xã hội quy mô lớn mới ra đời (tháng 4/2020).
Trong bốn tháng đầu, sự phát triển của COVID-19 có xu hướng tăng mạnh ở Indonesia, đạt 70 đến 90%. Khi tình hình bớt căng thẳng hơn vào tháng 7- 8 năm ngoái, chính phủ Indonesia đưa ra thuật ngữ “bình thường mới”, đánh dấu bằng việc nới lỏng các hoạt động cộng đồng. Tổng thống Indonesia đã yêu cầu thực hiện “phanh và ga” trong kiểm soát dịch COVID-19.
Làm sao để vừa kiểm soát đại dịch mà không can thiệp vào phát triển kinh tế. Sau đó, lần lượt các chính sách ra đời như: giới hạn xã hội chuyển tiếp và sau đó là Giới hạn các hoạt động công cộng. Những chính sách này có vẻ được thực hiện chưa triệt để nên các ca mắc COVID-19 tại Indonesia trong quý 4 lại tăng vọt. Vào đỉnh điểm cuối tháng 12 năm 2020, Indonesia liên tục đạt mức tăng kỷ lục. Số liệu thống kê của Bộ Y tế Indonesia cho thấy từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng hơn 100% so với tháng 10/2020.
Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến nền y tế vốn mỏng manh của Indonesia trở nên quá tải. 325 bác sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống đại dịch. Indonesia có hơn 1.100 bệnh viện chỉ định COVID-19, luôn trong tình trạng không còn giường trống. Nền kinh tế cũng rơi vào suy thoái kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 với mức tăng trưởng âm 2% vào quý 4.
Đại dịch cũng khiến hơn 2,6 triệu người Indonesia rơi vào cảnh thất nghiệp, nâng tổng số người không có việc làm ở Indonesia lên 9,77 triệu người. Đồng thời, tỷ lệ người nghèo cũng đã tăng lên tăng lên 10,19%, phá hủy thành tựu giảm nghèo ở Indonesia trong những năm vừa qua.
Những nỗ lực ngăn chặn đại dịch ở Indonesia chưa tối ưu
Sau 1 năm đối phó với đại dịch, song Chính phủ Indonesia thừa nhận, việc xét nghiệm, truy vết và điều trị (gọi là 3T) ở Indonesia vẫn chưa đạt hiệu quả tối ưu. Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia, ông Dante Saksono Harbuwono ngày 2/3/2021 cho biết đây vẫn là "bài tập mà Indonesia đang nỗ lực để hoàn thành". Theo ông, việc truy vết nguồn gốc để xử lý sớm các ca mắc COVID-19 quan trọng hơn cả quá trình tiêm chủng đã bắt đầu ở Indonesia hơn 1 tháng nay.
Trong khi đó, ông Windhu Purnomo, nhà dịch tễ học của Đại học Airlangga cũng đánh giá chính phủ chưa có nỗ lực đáng kể nào để nâng cao chất lượng của 3T cho đến nay. Ngày 1/3/2021, Indonesia chỉ xét nghiệm được cho 18.000 người. Con số này cách xa so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 39.000 người mỗi ngày đối với quốc gia có 267 triệu dân như Indonesia.
Chiến lược theo dõi và truy vết ở Indonesia cũng chưa được thực hiện triệt để. Nhà dịch tễ học Indonesia hy vọng, việc áp Giới hạn các hoạt động cộng đồng vi mô (PPKM) hiện nay sẽ giúp tăng cường theo dõi các ca mắc COVID-19 cả ở cấp độ khu dân cư. Nhà dịch tễ học này cũng nhận định, vấn đề xử lý COVID-19 ở Indonesia không chỉ nằm ở chiến lược 3T mà còn phụ thuộc vào ý thức của cộng đồng trong việc duy trì các giao thức y tế. Ông bày tỏ lo lắng về tình trạng bão hòa khi người dân nghĩ đại dịch sẽ kết thúc bằng việc tiêm vaccine và lơ là các giao thức y tế.
Indonesia đã bước vào chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 quy mô lớn trên toàn quốc. Chính phủ nước này đặt mục tiêu ít nhất 70% dân số Indonesia, tương đương khoảng 182 triệu người được tiêm vaccine COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng. Quốc gia vạn đảo đang nỗ lực trong cuộc đua mua sắm vaccine toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã tiêm vaccine cho hơn 1,8 triệu người, trong đó có gần 1 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai. Ngay khi quá trình tiêm vaccine COVID-19 đang bước vào giai đoạn thứ 2 trong lộ trình 4 giai đoạn cho tới năm 2022 mà Indonesia đặt ra, ngày 2/3/2021, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào nước này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia bày tỏ lo lắng khi biến thể mới có thể sẽ "miễn nhiễm với loại vaccine mà Indonesia đang sử dụng". Indonesia sẽ phải tiếp tục đối mặt với cuộc chiến cam go hơn so với 1 năm qua với sự xuất hiện biến thể mới có khả năng lây lan nhanh gấp 70 lần này./.