Làn sóng ngoại giao trục xuất giữa Nga và châu Âu
VOV.VN - Ngày 20/4, Nga trục xuất hai nhà ngoại giao Bungaria trong bối cảnh quan hệ song phương đang có nhiều căng thẳng. Động thái này tiếp nối quyết định trước đó của Nga trục xuất các nhà ngoại giao Cộng hòa Séc và Ba Lan trong 5 ngày qua, cho thấy quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu đang xấu đi rõ rệt.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, 2 nhà ngoại giao của Bungaria là những "nhân vật không được hoan nghênh" và sẽ phải rời khỏi Nga trong vòng 72 giờ tới. Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai nhà ngoại giao bị trục xuất là Bí thư thứ nhất phụ trách lãnh sự Nikolay Panayotov và Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế-thương mại Chavdar Khristozo.
Hồi tháng 3, Bungaria đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau khi công tố viên cáo buộc 6 người, trong đó có các sĩ quan tình báo quân sự, làm gián điệp cho Nga.
Vụ trục xuất các nhà ngoại giao Bungaria là vụ việc mới nhất trong hàng loạt lệnh trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga và nhiều nước châu Âu. Làn sóng trục xuất ngoại giao mới nhất giữa Nga và phương Tây bắt nguồn từ khi Cộng hòa Séc tuần trước bất ngờ tuyên bố trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga do nghi ngờ các cơ quan tình báo của Nga dàn dựng một vụ nổ kho đạn trên lãnh thổ nước này vào năm 2014.
Trong tuyên bố ngày 20/4, Ngoại trưởng Séc Jan Hamacek cho biết, nước này sẵn sàng cho mọi khả năng, thậm chí là xây dựng các mối quan hệ từ sự đổ vỡ. Có nghĩa là Séc sẵn sàng trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao Nga về nước. Ông Hamacek thậm chí còn đề nghị các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trục xuất các nhà ngoại giao Nga để thể hiện sự đoàn kết sau tranh cãi ngoại giao giữa Séc và Nga .
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi việc Séc trục xuất các nhà ngoại giao Nga là “một bước đi thù địch nhằm làm hài lòng Mỹ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với Nga”.
Trong tuyên bố, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Nga không phải là phía khiến căng thẳng gia tăng: “Hành động của các nước này là gây hấn và khó lường. Nga coi đó là hành vi phá hoại quan hệ song phương. Chúng tôi kêu gọi các nước bình tĩnh và từ bỏ cơn loạn thần chống Nga ồ ạt như vậy”.
Những vụ trục xuất các nhà ngoại giao ồ ạt giữa Nga và các nước phương Tây đánh dấu mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những động thái này càng cho thấy hai bên dường như đang "ngắt kết nối" trong quan hệ song phương khi trước đó chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Nga và các nước thành viên EU như Hà Lan, Italy, Đức, Thụy Điển liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Tần suất các động thái “ăn miếng, trả miếng,” trừng phạt - đáp trả giữa hai bên tiếp tục gia tăng, đỉnh điểm là việc Mỹ, Ba Lan và Cộng hòa Séc chỉ trong vài ngày qua liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Đáp lại, Nga cũng đưa ra các biện pháp tương tự.
Có thể thấy rằng một vòng xoáy đối đầu mới lại xuất hiện trong mối quan hệ vốn chưa khi nào thôi căng thẳng giữa Nga và Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung trong bối cảnh các nước phương Tây đang xích lại gần hơn Mỹ sau thời gian dài nguội lạnh dưới thời thời của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, trong thời gian tới, xu hướng chủ đạo giữa Nga và phương Tây vẫn là sự lạnh nhạt và công khai đối đầu. Không loại trừ, hai bên có thể tiếp tục đẩy căng thẳng lên thêm một nấc mới./.