Làn sóng nổi dậy ở Trung Đông

Lực lượng an ninh đã được tăng cường trên các đường phố để ngăn chặn người biểu tình kêu gọi lật đổ chính quyền tại một số nước.

Làn sóng nổi dậy chống Chính phủ đã lan rộng ở khu vực Trung Đông. Làn sóng này đã lan sang Bahrain trong khi tình hình ở Yemen ngày một nóng lên với việc yêu cầu thay đổi chế độ và Tổng thống từ chức. Tại Ai Cập tình hình tạm lắng với các cuộc họp và trao đổi giữa lực lượng quân đội và Liên minh thanh niên 25/1.     

Tiếp theo làn sóng nổi dậy đòi thay đổi chế độ và cải cách ở các nước Arab như Tunisia, Ai Câp, Yemen, Algeria, ngày 14/2, các lực lượng đối lập ở Bahrain đã xuống đường biểu tình kêu gọi cải cách hiến pháp, chính trị, cải thiện đời sống của người dân. Phe đối lập đã kêu gọi tuần hành phản đối ở trung tâm thủ đô Manama. Người biểu tình không kêu gọi lật đổ chính quyền nhưng đã mang theo các khẩu hiệu yêu cầu cải cách chính tị, giải thệ Hạ viện và Thượng viện, cũng như thực hiện bầu cử tự do, tự do thành lập các đảng chính trị , đặc biệt là sửa đổi hiến pháp mới. Người biểu tình cũng phản đối việc tăng giá.

Lực lượng an ninh đã được tăng cường trên các đướng phố để ngăn chặn người biểu tình, đã xảy ra đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Bộ Nội vụ nước này đã phủ nhận một số nguồn tin nói rằng lực lượng an ninh đã phải sử dụng tới hơi cay, đạn cao su để giải tán các đám đông, cũng như ngăn chặn đụng độ tại tỉnh phía bắc nước này. 

Cũng như một số nước vừa qua, các nhà hoạt động chính trị ở Bahrain đã đưa lời kêu gọi biểu tình đòi cải cách trên mạng facebook.

** Tại Yemen tình hình đang nóng dần lên. Ngày 14/2, khoảng 3.000 người biểu tình gồm sinh viên, luật sư đã xuống đường yêu cầu thay đổi dân chủ và Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Họ tụ tập trong khuôn viên trường đại học Sanaa và mang theo băng-rôn kêu gọi thay đổi chế độ và chống tham nhũng. Người biểu tình đã tụ tập ở trung tâm thủ đô Sanaa và cắm trại. Lực lượng an ninh Yemen được tăng cường và đặt dây thép gai điện để ngăn chặn người biểu tình tới gần toà nhà Chính phủ.

** Tại Ai Cập, đại diện của Liên minh thanh niên 25/1 Ziad Al Alimi cho biết sẽ họp với lãnh đạo quân đội trước cuối tuần này để đưa ra đề nghị. Trước đó, lãnh đạo quân đội đã đề nghị Liên minh này chuyển cho họ các yêu cầu bằng văn bản. Quân đội cũng khẳng định sẽ thực hiện công bằng hiến pháp và bầu cử Quốc hội trong 4 tháng. Ông Alimi nói rằng vấn đề mà Liên minh này quan tâm và sẽ chuyển cho lãnh đạo quân đội vào thứ 4 (16/2) tới là thay đổi chính phủ, bộ nhiệm chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp, dỡ bỏ lệnh khẩn cấp, thả tự do cho những người bị bắt giữ, tự do về chính trị trong đó có tự do thành lập đảng phái, tổ chức công đoàn.

** Tại Algeria, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Mourad Al Mudallsi ngày 14/2 cho biết, tình trạng khẩn cấp áp dụng 19 năm nay ở nước này sẽ được dỡ bỏ trong vài ngày tới. Tình trạng khẩn cấp tại Algeria được áp đặt từ năm 1992. Chính phủ nước này đang chịu sức ép từ người dân sau cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập, Tunisia vừa qua. Trước đó Tổng thống Abdelaziz Bouteflika cho biết, ông sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong tương lai rất gần.

 Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao nước này cho rằng, các cuộc tuần hành phản đối ở thủ đô Algeria và một số thành phố chỉ là “hành động tiểu số” và không đại diện cho toàn dân. Ông cũng cho rằng tình hình ở Algeria không giống như Ai Cập hay Tunisia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên