Lào với trọng trách “Thúc đẩy kết nối và khả năng phục hồi” ASEAN 2024
VOV.VN - Trở lại cương vị Chủ tịch ASEAN 2024, bối cảnh mới vừa là cơ hội để Lào quảng bá hình ảnh và nâng cao vai trò vị thế của đất nước, đồng thời cũng sẽ có nhiều thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường như hiện nay.
“Thúc đẩy kết nối và khả năng phục hồi”
“Thúc đẩy sự kết nối và khả năng phục hồi” là một chủ đề rất là phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay trong khu vực và quốc tế.
Thứ nhất, “kết nối” phù hợp với việc ASEAN đang tổ chức thực hiện Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN. Lào dù là một quốc gia không có biên giới tiếp giáp với biển, nhưng với vị trí nằm ở trung tâm khu vực ASEAN nên việc chọn chủ đề kết nối không chỉ phù hợp với ASEAN, mà còn hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng, Nhà nước Lào trong việc chuyển Lào từ một quốc gia không có biển thành quốc gia kết nối khu vực.
Hiện nay, Lào đã đã có đường sắt, có kế hoạch xây dựng Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Hành lang Kinh tế Bắc - Nam, điều sẽ không chỉ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn kết nối của ASEAN nói chung mà còn của Lào nói riêng.
Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh trên thế giới ngày càng gay gắt, nhất là khả năng phục hồi của các nước sau đại dịch Covid-19 thì việc ASEAN “phục hồi” là điều hết sức quan trọng.
Hiện ASEAN là một tổ chức khu vực hàng đầu thế giới được quốc tế rất quan tâm, các cường quốc trên thế giới đều mong muốn hợp tác trực tiếp với ASEAN và đề nghị trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, thể hiện tầm quan trọng và vai trò của ASEAN với các nước trên thế giới.
Việc ASEAN tự cường là rất quan trọng, bởi nếu ASEAN không đoàn kết trên dưới một lòng sẽ không tạo nên sức mạnh tập thể thì chắc chắn vai trò của ASEAN trên trường quốc tế và khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Chủ đề của năm 2024 sẽ thực sự mang lại lợi ích cho nước này, với tư cách là một thành viên của ASEAN cũng như cho cả ASEAN. Điều này cũng sẽ giải quyết được vấn đề mà chúng ta đang gặp phải hiện nay, đó là đạt được Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN.
Cơ hội và thách thức đối với Lào
Tình hình thế giới năm 2024, thậm chí ngay thời điểm này cũng rất khác bởi thế giới hiện có sự cạnh tranh về địa chính trị và sự cạnh tranh về kinh tế. ASEAN cũng không ngoại lệ.
Mặc dù trải qua hai lần đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN nhưng tình hình năm 2024 hoàn toàn khác so với hai lần trước đây. Trong ASEAN, đó là vấn đề của Myanmar. Ở cấp độ khu vực, đó là các vấn đề như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên. Các vấn đề khác đang diễn ra trên toàn thế giới như ở châu Âu, vấn đề Ukraine, Trung Đông cũng sẽ là những thách thức trong Năm Chủ tịch của Lào.
Trên cương vị Chủ tịch, Lào sẽ phải làm thế nào để cân bằng được những vấn đề này? Làm thế nào có thể duy trì được sự đoàn kết của tất cả các thành viên ASEAN? Đây thực sự là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới cũng có vẻ không mấy khả quan. Xu hướng suy thoái tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng là một thách thức khác mà ASEAN sẽ sẽ phải đối mặt trong năm Lào làm Chủ tịch.
Với sự hợp tác và ủng hộ của tất cả các nước thành viên ASEAN, Lào sẽ đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch trong năm 2024.
Việc Lào giữ cương vị Chủ tịch ASEAN đúng vào Năm du lịch Lào 2024 cũng là cơ hội tốt để Lào quảng bá hình ảnh về đất nước đến bạn bè quốc tế và thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa Lào với các nước trên thế giới. Đây là cơ hội tốt để Lào quảng bá các chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Lào, cũng như chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế xã hội giữa Lào với các nước trên thế giới, qua đó nâng cao vai trò của Lào tại các diễn đàn khu vực và thế giới.
Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
Là một thành viên có trách nhiệm, Lào luôn đóng góp tích cực vào sứ mệnh của ASEAN cũng như tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác của ASEAN và các nước đối tác bên ngoài, qua đó góp phần vào Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính là: Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Bên cạnh đó, Lào luôn quan tâm phối hợp và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước bên ngoài thông qua cơ chế ASEAN, điều này đã giúp cho sự hợp tác giữa Lào với các nước đối tác ngày càng được tăng cường.
Theo như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith thì nhữ ưu tiên về thúc đẩy phục hồi kinh tế các nước hậu Covid-19, những vấn đề nóng của khu vực và thế giới cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại các Hội nghị trong năm Lào làm Chủ tịch ASEAN và chỉ có gắn kết, tăng cường hợp tác ASEAN và các nước đối tác, đối thoại mới có thể giải quyết được những thách thức hiện tại và mới nổi một cách hiệu quả.
Cam kết của các nhà lãnh đạo Lào đã cho thấy quyết tâm của nước này nhằm khẳng định là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong vai trò dẫn dắt, điều phối ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và toàn cầu vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, cạnh tranh địa chiến lược gay gắt.
Với những kinh nghiệm và bài học đã có trong hai lần đảm nhiệm thành công chức chủ tịch ASEAN năm 2004 và 2016, Lào tin tưởng sẽ tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển ổn định, bền vững và tăng trưởng của khu vực; đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.