Lebanon: Tâm điểm của cuộc tranh giành giữa Iran và Saudi Arabia
VOV.VN - Hôm 15/11, Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã lần đầu tiên công khai cáo buộc Saudi Arabia "giam giữ" Thủ tướng Al Hariri.
Theo ông, đây là hành động gây hấn đối với một quốc gia độc lập của chính quyền Saudi Arabia. Tuyên bố này đưa ra sau khi Thủ tướng Lebanon đột ngột tuyên bố từ chức sau khi đến Saudi Arabia, đẩy Lebanon chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị và khiến nước này trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran.
Tổng thống Michel Aoun. Ảnh: BBC.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho rằng việc Thủ tướng Hariri chưa trở về Lebanon sau 12 ngày cũng như không thể liên lạc là bằng chứng cho thấy ông đã bị Saudi Arabia giam giữ, đồng thời nhấn mạnh hành động này là trái với Công ước Vienna và vi phạm nhân quyền.
Ông Michel Aoun nhấn mạnh, Lebanon không thể chờ đợi sự quay về của ông Hariri trong một thời gian dài, bởi nhà nước cần tiếp tục hoạt động. Tổng thống Aoun tái khẳng định, Lebanon sẽ không chấp nhận và không đưa ra bất kỳ quyết định chính thức về tuyên bố từ chức khi đang ở nước ngoài của Thủ tướng Hariri. Bên cạnh đó ông cũng khẳng định hiện tình hình tại Lebanon vẫn bình thường cả về kinh tế và chính trị.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo tại Italy, Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil cũng cho biết chính quyền Lebanon sẽ thực hiện các bước đi theo "mối quan hệ anh em" để giải quyết vấn đề liên quan đến ông Hariri. Ông Bassil khẳng định, Lebanon muốn có quan hệ tốt với Saudi Arabia, song việc ông Hariri ở Saudi Arabia từ hôm 4/11 đến nay là điều không bình thường.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi và mọi thứ cần thiết để giải quyết vấn đề này theo cách bằng hữu với các mối quan hệ tốt đẹp mà chúng tôi đã có với Saudi Arabia, bởi chúng tôi tin rằng, đây là cách ngắn nhất, thành công nhất và hiệu quả nhất để giải quyết vấn và để Thủ tướng al-Hariri có thể trở lại Lebanon theo nguyện vọng của ông."
Cựu Thủ tướng Lebanon được mời thăm Pháp giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi trong một đoạn video được phát từ Saudi Arabia, Thủ tướng Hariri tuyên bố từ chức với cáo buộc Iran can thiệp vào tình hình nội bộ nước này. Theo đánh giá của giới phân tích, tuyên bố gây sốc của ông Hariri, một người Hồi giáo dòng Sunni đã làm dấy lên những quan ngại rằng, Lebanon có thể một lần nữa chìm trong bạo lực khi trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran.
Trên thực tế, Hezbollah là một phần trong chính phủ liên minh của ông Hariri. Tuy nhiên, với kho vũ khí vượt xa các lực lượng vũ trang của Lebanon, quyền lực và ảnh hưởng của phong trào này lớn hơn nhiều so với vị trí trong nội các. Trong nhiều năm qua, Lebanon đã bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên do Hezbollah chi phối và một phong trào được Saudi Arabia hậu thuẫn do ông Hariri lãnh đạo.
Chính vì vậy, các nhà phân tích nhận định, động thái từ chức của ông Hariri có thể sẽ làm tái bùng phát một cuộc nội chiến tại Lebanon. Và bất kỳ cuộc chiến tranh mới nào cũng sẽ tác động tiêu cực đến Lebanon, đất nước vốn đã suy kiệt bởi “núi” nợ ngày một phình to, nạn tham nhũng cũng như áp lực về dân số từ dòng người tị nạn lớn từ Syria./.