Lệnh cấm nhập than đá Nga vào EU chính thức có hiệu lực
VOV.VN - Lệnh cấm nhập khẩu than đá Nga vào EU đã có hiệu lực từ ngày 10/8. Lệnh cấm này nằm trong gói trừng phạt mà EU ban hành hồi tháng 4. Đây là một trong những gói trừng phạt đầu tiên nhắm trực tiếp vào ngành năng lượng Nga.
Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu than đá Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt được áp đặt hồi tháng 4 nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Kể từ đó, EU đã tăng cường tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ Colombia, Australia và Mỹ.
Khoảng thời gian từ khi ban hành (tháng 4/2022) tới khi lệnh cấm có hiệu lực (tháng 8/2022) được cho là tạo điều kiện để các nước châu Âu tìm kiếm các giải pháp thay thế, theo đó, tăng cường nhập khẩu than đá từ các quốc gia khác cũng như tăng cường sản xuất trong nước nếu có thể, hoặc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để sản xuất điện.
Theo một báo cáo của Bruegel, một think tank có trụ sở tại Bỉ tập trung vào chính sách và các vấn đề kinh tế, EU vẫn phụ thuộc vào than đá nhập khẩu từ Nga để sản xuất điện khi Nga chiếm tới 70% nhập khẩu than đá của EU.
Đức và Ba Lan là những quốc gia phụ thuộc lớn vào than đá nhập khẩu, báo cáo của Bruegel cho hay. EU đã tăng cường nhập khẩu than đá từ một số quốc gia như Colombia, Australia và Mỹ.
Các nước châu Âu đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn than đá hồi tháng 6, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng này vẫn ít hơn 2 triệu tấn so với lượng than đá nhập khẩu hồi tháng 4 và tháng 5.
Nhập khẩu của EU từ Colombia đạt 1,2 triệu tấn vào tháng 6, lớn hơn nhiều so với 287.000 tấn vào tháng 6 năm ngoái. Tương tự, châu Âu nhập khoảng 1,1 triệu tấn than đá từ Australia, mức cao nhất từng được ghi nhận. Số lượng than đá EU nhập khẩu từ Mỹ cũng tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Eric Mamer - người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết vào tuần trước rằng ông hy vọng các nước thành viên sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt như lãnh đạo của các nước này đã nhất trí tại Hội đồng châu Âu.
"Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình nhưng rõ ràng các nước thành viên sẽ thực hiện quyết định này", ông Mamer cho hay.
Báo cáo của Bruegel đánh giá, việc thay thế than đá Nga chỉ là một phần trong thách thức năng lượng mà EU đang đối mặt. EU cần nhập khẩu nhiều than đá hơn nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt và dầu mỏ.
Vào tháng 7, EU đã thông báo một gói trừng phạt mới, trong đó bao gồm lệnh cấm một phần dầu mỏ Nga. Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga bằng đường biển có hiệu lực từ 5/12/2022 và lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu sẽ có hiệu lực từ 5/2/2023.
Nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường ống vẫn được phép tiếp tục đối với những quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ như Hungary và Slovakia.
Kế hoạch khí đốt khẩn cấp của EU nhằm tăng cường nguồn cung khí đốt vào mùa đông cũng có hiệu lực trong tuần này. Chính sách năng lượng sẽ được quyết định ở cấp độ quốc gia trong EU và có thể sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các nước./.