Liên đoàn Arab kêu gọi Iraq đồng thuận giải quyết khủng hoảng
VOV.VN - Liên đoàn Arab ngày hôm nay, 11/11 kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq và người dân đồng thuận giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit bày tỏ sự hối tiếc vì các thương vong liên tục giữa những người biểu tình ở Iraq trong những tuần qua và kêu gọi chính quyền Iraq kiểm soát tình hình an ninh và ngăn chặn sự hỗn loạn, bạo lực tránh sự đổ máu của người dân.
Liên đoàn các quốc gia Arab kêu gọi Iraq thống nhất giải quyết khủng hoảng. Ảnh: RT |
Tổng thư ký Liên đoàn Arab cho rằng nếu không kiểm soát tốt tình hình có thể phức tạp hơn nếu có sự can thiệp và áp lực bên ngoài. Liên đoàn Arab cho rằng sự đồng thuận giữa những người biểu tình và các nhà lãnh đạo chính trị là cách duy nhất để đạt được lợi ích quốc gia của Iraq và đáp ứng yêu cầu của người dân về một đất nước ổn định, độc lập và thịnh vượng. Liên đoàn Arab khẳng định hỗ trợ Iraq vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuyên bố của Liên đoàn Arab đưa ra khi các cuộc biểu tình và leo thang bạo lực ở Iraq trong những ngày qua đã khiến ít nhất 300 người thiệt mạng. Tình hình vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Trong một động thái liên quan, phái đoàn Liên Hợp Quốc tại Iraq cũng vừa đưa ra kế hoạch ngăn chặn khủng hoảng ở nước này với một loạt các hành động tức thời, ngắn hạn và trung hạn. Kế hoạch nêu rõ rằng các biện pháp tức thời bao gồm giải phóng tất cả những người biểu tình ôn hòa, không truy tố những người biểu tình ôn hòa, điều tra đầy đủ các vụ bắt cóc và nhận dạng những kẻ đứng sau họ, xác định nhanh chóng những kẻ chịu trách nhiệm nhắm vào người biểu tình trước công lý và truy tố.
Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên trong khu vực và quốc tế không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iraq và tôn trọng chủ quyền của nước này. Các biện pháp ngắn hạn (trong vòng một đến hai tuần) bao gồm cải cách bầu cử, trong đó khung pháp lý thống nhất sẽ được hoàn thiện, các thủ tục nghị viện sẽ được hoàn thành sớm nhất có thể, cải cách ngành an ninh. Các biện pháp trung hạn (trong vòng một đến ba tháng) bao gồm xem xét lại hiến pháp, Ủy ban Liêm chính./.