Liên Hợp Quốc dỡ bỏ rào cản với hoạt động hỗ trợ nhân đạo Triều Tiên
VOV.VN - Theo Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Triều Tiên đã khiến khoảng 10 triệu người, tức gần 1 nửa dân số nước này bị thiếu lương thực.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu về một đề xuất của Mỹ nhằm loại bỏ một số rào cản về hỗ trợ nhân đạo do tác động của các lệnh trừng phạt hà khắc chống Triều Tiên gây ra.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters). |
Theo Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Triều Tiên đã khiến khoảng 10 triệu người, tức gần 1 nửa dân số nước này bị thiếu lương thực. Trước đó, cơ quan này cũng công bố báo cáo cho thấy sự sụt giảm sản lượng lương thực tại Triều Tiên.
Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc quy định, những biện pháp trừng phạt không được ảnh hưởng đến hoạt động viện trợ nhân đạo, song các tổ chức cứu trợ cho rằng, những hạn chế về thương mại và ngân hàng đang gây ra trở ngại và làm chậm dòng chảy của các nguồn cung cấp quan trọng.
Một đề xuất của Mỹ được đưa ra hồi tháng 7/2018 sẽ cung cấp hướng dẫn rõ ràng để giúp các tổ chức và chính phủ hiểu hơn về vấn đề miễn trừ trong các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Sau nhiều tuần đàm phán, Ủy ban trừng phạt Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu lần cuối cho những hướng dẫn mới vào đầu tới tới. Sau khi được thông qua, một thông báo sẽ được gửi đến 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nhằm cung cấp một giải thích rõ ràng về cơ chế miễn trừ nhân đạo toàn diện, góp phần cải thiện việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Thông tin đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang kêu gọi tiếp tục duy trì sức ép tối đa chống Triều Tiên để buộc chính quyền của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Một quan chức Mỹ cho biết, các hướng dẫn mới sẽ đảm bảo rằng, chỉ các hoạt động nhân đạo quan trọng, cứu trợ cần thiết ở Triều Tiên mới có thể được tiếp tục và yêu cầu miễn trừ sẽ phải trải qua một tiến trình đánh giá chi tiết. Theo ông này, chính phủ Mỹ có lập trường rõ ràng rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng bán đảo Triều Tiên./.