Liên Hợp Quốc “thua cuộc” trong cuộc chiến chống nạn đói tại Yemen
VOV.VN - Các cơ quan viện trợ quốc tế đang thua trong cuộc chiến chống nạn đói ở Yemen, nơi được dự báo sẽ có thêm 3,5 triệu người có nguy cơ chết đói.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock vừa đưa ra lời cảnh báo này để nhắc thế giới về một thảm họa đang tới gần. Như vậy, bất chấp các nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế, đất nước Yemen tiếp tục bị nhấn chìm trong cái vòng luẩn quẩn: bạo lực, đói nghèo, bệnh tật.
Yemen hứng chịu xung đột và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: NRC |
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Mark Lowcock- người điều hành mảng cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết các cơ quan viện trợ quốc tế đang thua trận trong cuộc chiến chống nạn đói ở Yemen, nơi đang xảy ra nhiều trường hợp giống như nạn đói khi người dân phải ăn lá cây để sống bởi không còn thức ăn nào khác.
Quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, tình hình tại Yemen trong những tuần gần đây đang trở nên nghiêm trọng "ở mức báo động" và cuộc khủng hoảng sẽ có nguy cơ lên đến đỉnh điểm mà sau đó sẽ không thể ngăn chặn được hàng loạt người chết vì đói ăn.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, 3/4 dân số Yemen, khoảng 22 triệu người, đang cần viện trợ khẩn cấp, trong đó có 8 triệu người cần được viện trợ lương thực để sống sót. Đồng rial của Yemen đã giảm 30% giá trị hồi tháng trước, khiến giá các mặt hàng thực phẩm ở nước này mag phần lớn là được nhập khẩu tăng mạnh. Ông Lowcock cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an hỗ trợ các biện pháp tức thời nhằm ổn định nền kinh tế của Yemen, hỗ trợ tỉ giá hối đoái và giúp các bến cảng và đường quốc lộ chính của nước này được thông mở.
Tình cảnh của người dân Yemen thực sự đang rất nghiêm trọng. Không đâu chứng kiến điều đó rõ ràng như tại các bệnh viện, nơi số lượng trẻ em cần bổ sung dinh dưỡng khẩn cấp gia tăng từng ngày. Bác sĩ Abha Abdalla, giám đốc một bệnh viện cho biết: “Vấn đề không chỉ là ngân sách cho việc này, chúng tôi không còn đủ chỗ cho bệnh nhi. Chúng tôi chỉ có 6 giường thôi. Và chỉ phục vụ tối đa 35 người một tháng. Chúng tôi buộc phải từ chối phục vụ, trả bệnh nhân về”.
Trong khi vấn đề nhân đạo đang ngày càng gay gắt, chiến sự vẫn tiếp diễn. Phiến quân Houthi đã đánh chiếm thành phố cảng Hodeida, bên bờ Biển Đỏ của Yemen, và kiểm soát thủ đô Sanaa.
Liên Hợp Quốc nỗ lực gỡ nút thắt cho cuộc hòa đàm Yemen
Hồi tháng 6, lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen được liên quân do Saudi Arabia đứng đầu, hậu thuẫn, đã mở một chiến dịch lớn nhằm tái chiếm cả thành phố và cảng Hodeida. Thành phố có vị trí quan trọng chiến lược bởi có cảng biển Hodeida vốn được coi là nguồn sống của hàng triệu người Yemen khi khoảng 75% hàng hóa thương mại và hàng cứu trợ được vận chuyển qua đây để vào nước này.
Liên quân Arab cáo buộc phiến quân Houthi lợi dụng việc kiểm soát cảng Hodeida để tịch thu hàng cứu trợ của người dân Yemen nhằm duy trì các nỗ lực chiến tranh. Liên Hợp Quốc tháng trước từng tìm cách mở một cầu hàng không nhân đạo để đưa các bệnh nhân ung thư đến những cơ sở y tế đảm bảo điều kiện chữa trị. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện được vì tình trạng chiến sự leo thang.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi cùng các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh và các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi. Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận, tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi.
Để đáp trả, Houthi đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó đa số bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn. Kể từ đó, đất nước Yemen vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, mà nạn nhân cuối cùng vẫn là dân thường./.
Mỹ ủng hộ cuộc chiến của Saudi Arabia tại Yemen để bán vũ khí