Lo ngại "hiệu ứng domino" ở EU từ Brexit
VOV.VN - Lãnh đạo các nước Trung-Đông Âu kêu gọi Liên minh châu Âu cần phải thay đổi chính sách của mình và biết lắng nghe hơn tiếng nói của người dân.
Sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được công bố sáng sớm 24/6, lãnh đạo các nước Trung-Đông Âu tỏ ý lấy làm tiếc và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải thay đổi chính sách của mình và biết lắng nghe hơn tiếng nói của người dân.
Ảnh minh họa: KT
Thủ tướng CH Séc Bohuslap Sobotka khẳng định sự ra đi của Anh không phải là dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên minh châu Âu. Thay vào đó, ông đề nghị EU cần phải thay đổi chính sách để hoạt động có hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, ít quan liêu hơn và để ý nhiều hơn tới tính đa dạng của các quốc gia thành viên.
Theo thủ tướng Bohuslap Sobotka, kế hoạch hội nhập châu Âu cần có nhiều sự ủng hộ và tiếng nói của người dân châu Âu hơn. Theo một thăm dò dư luận cuối năm 2015, 3/5 người dân Séc không hài lòng với cơ chế thành viên EU của nước này và 62% nói rằng họ sẵn sàng nói Không nếu một cuộc trưng cầu dân ý tương tự diễn ra ở đây.
Trong khi đó phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng Hungary Victor Orban – nhà lãnh đạo có quan điểm cứng rắn đối với cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu - cho rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là một bài học lớn đối với EU trong việc lắng nghe ý nguyện của người dân.
Ông Victor Orban nói: "Tại sao Hungary vẫn ở lại EU vì chúng tôi tin tưởng vào một Châu Âu hùng mạnh hơn. Nhưng một châu Âu chỉ hùng mạnh hơn chỉ khi nó giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề người di cư. Tuy nhiên đến nay châu Âu vẫn chưa làm được điều này."
Tại Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là một tin xấu đối với châu Âu, và kêu gọi Liên minh châu Âu cần phải hành động gấp để ngăn chặn một hiệu ứng domino có thể xảy ra.
Tổng thống Andrzej Duda đề nghị EU cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn tới kết cục này, mà theo ông có thể do EU đã áp đặt quá nhiều lên các thành viên và người dân không có quyền nói lên quan điểm của mình về những vấn đề quan trọng.
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski cũng chia sẻ quan điểm không loại trừ khả năng có thể sẽ xuất hiện hiệu ứng domino đối với một số nước thành viên khác khi gây áp lực và đe dọa tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Còn Thủ tướng Robert Fico của Slovakia – nước sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của EU vào 1/7 tới - cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh không phải là một thảm họa, mà nó chỉ trở thành thảm họa khi 27 nước thành viên còn lại có phản ứng tiêu cực tương tự.
Thủ tướng Robert Fico cho rằng, EU phải chấp nhận thực tế là Anh sẽ sớm không còn trong tổ chức này và cần phải hành động nhanh chóng để ứng phó với tình hình. Ông thừa nhận phần lớn người dân châu Âu không tán thành chính sách nhập cư cũng như kinh tế của Liên minh châu Âu, và kêu gọi tổ chức này cần phải có thay đổi căn bản trong chính sách của mình./. Tổng thống Mỹ tuyên bố tôn trọng Anh về kết quả Brexit