Lo ngại lớn cho nền kinh tế Romania
Suy sụp kinh tế dẫn tới khủng hoảng chính trị, khủng hoảng chính trị làm trầm trọng thêm “cơn bạo bệnh tài chính”, Romania đang rơi vào một cái vòng luẩn quẩn khó thoát ra.
Ngày 1/10, Chính phủ liên minh tại Romania đã sụp đổ sau khi 9 Bộ trưởng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội từ chức, để phản đối việc Tổng thống Traian phê chuẩn quyết định cách chức một Bộ trưởng thuộc đảng này. Nguyên nhân thì đã rõ, xuất phát từ mâu thuẫn và tranh giành quyền lực giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền. Điều mà người ta lo ngại nhất hiện nay là khủng hoảng chính trị diễn ra đúng vào lúc nền kinh tế Romania đang trong “cơn nguy khốn”, từ đó có thể gây ra những tác động khôn lường, thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả khu vực châu Âu.
Ngay trong tối hôm qua (1/10), Thủ tướng Romania Emil Boc đã công bố cơ cấu nội các lâm thời để lấp lỗ trống sau khi chính phủ sụp đổ. Động thái này cho thấy các quan chức Romania đã thấy trước nguy cơ tan rã chính phủ và có phản ứng kịp thời để tránh làm tình hình xáo trộn thêm nữa.
Tuy nhiên, cách thức xử lý tình huống của Đảng Tự do Dân chủ là để Thủ tướng và các bộ trưởng còn lại trong nội các kiêm nhiệm các chức vụ do các thành viên đảng Dân chủ xã hội bỏ lại, xem chừng không mấy hợp lý và không nhận được nhiều sự ủng hộ. Theo đó, Thủ tướng Romania đã quyết định tiếp quản chức liền một lúc 2 chức vụ là Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Tư pháp. Ông Katalin Predoiu, một nhân vật độc lập, sẽ tạm đứng đầu Bộ Ngoại giao. Còn lại, các bộ trưởng khác của Đảng Tự do Dân chủ sẽ đảm nhiệm các cương vị bị bỏ trống.
Thủ tướng Romania khẳng định giai đoạn quá độ sẽ kéo dài nhiều nhất là 45 ngày. Tuy nhiên, nếu xét đến cuộc bầu cử tổng thống tại Romania dự kiến sẽ diễn ra trong chưa đẩy 2 tháng nữa, vào ngày 22/11, thì khoảng thời gian 45 ngày này cũng đủ khiến người dân Romania “phát sốt”. Nếu không xử lý ổn thoả giai đoạn quá độ nguy hiểm này, Romania sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử đầy bất ổn và khủng hoảng sẽ chồng chất khủng hoảng. Thêm vào đó, bản thân vị trí Thủ tướng của ông Emil Boc cũng khó có thể trụ vững. Đảng Tự do quốc gia đối lập đã cảnh báo khả năng kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm trong vài ngày tới. Nếu kịch bản này xảy ra, e rằng Thủ tướng Emil Boc khó có thể trụ vững, do đảng Tự do Dân chủ của ông không chiếm đa số trong Quốc hội.
Khủng hoảng chính trị có nguy cơ đẩy nền kinh tế Romania lún sâu vào khốn khó. Nền kinh tế từng được coi là hình mẫu tăng trưởng ở châu Âu này đã bị suy sụp do khủng hoảng tài chính và phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ quốc tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế và Liên minh châu Âu đã chấp thuận cung cấp cho Romania khoản cứu trợ trị giá 20 tỷ euro để vực dậy nền kinh tế và giải quyết khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục lên tới 5,3 tỷ euro. Tuy nhiên, đổi lấy khoản vay này, dĩ nhiên Romania sẽ phải chấp nhận những mục tiêu mà Quỹ Tiền tệ quốc tế và Liên minh châu Âu đặt ra. Ví dụ phải giảm mức thâm hụt ngân sách từ 7,3% tổng sản phẩm quốc nội hiện nay xuống còn 3% vào năm 2011. Mục tiêu này vốn không dễ thực hiện nay sẽ càng trở nên khó khăn khi chính phủ hoạt động rệu rạo do liên minh cầm quyền tan rã. Rõ ràng trong giai đoạn 1-2 tháng tới, khi một nhân vật cấp cao kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng lúc, không hy vọng chính phủ lâm thời sẽ có thể vực dậy nền kinh tế ốm yếu của Romania.
Suy sụp kinh tế dẫn tới khủng hoảng chính trị, khủng hoảng chính trị làm trầm trọng thêm “cơn bạo bệnh tài chính”, Romania đang rơi vào một cái vòng luẩn quẩn khó thoát ra. Tình hình này sẽ càng làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư và chính phủ Romania sẽ càng phải hứng chịu thêm nhiều cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ không quan tâm thích đáng đến quyền lợi của người dân lao động./.