Lựa chọn khó khăn của các ổ dịch Covid-19: Sức khỏe hay kinh tế?

VOV.VN - Nhiều quốc gia đang tìm cách nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 song liệu đây có phải thời điểm thích hợp lại khiến các lãnh đạo thế giới đau đầu.

Cùng với quyết định kéo dài 1 tháng lệnh phong tỏa toàn quốc, Pháp hôm qua cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh công bố thời gian biểu cụ thể cho việc dỡ bỏ các hạn chế và mở cửa lại các trường học.

Nhiều quốc gia đang tìm cách nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 song liệu đây có phải thời điểm thích hợp lại khiến các lãnh đạo thế giới đau đầu. Ảnh: Reuters

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đà lây lan của dịch Covid-19 đã chậm lại và bắt đầu từ ngày 11/5 tới, nước này sẽ dỡ bỏ phong tỏa toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, việc nới lỏng các hạn chế sẽ được tiến hành theo từng bước. Cụ thể, trong khi các trường học có thể bắt đầu mở cửa lại từ ngày 11/5, thì các quán bar, nhà hàng hay rạp chiếu phim vẫn sẽ đóng cửa cho tới khi có chỉ thị mới, tương tự như việc mở cửa biên giới với các nước không phải thành viên Liên minh châu Âu.

“Tôi đã hi vọng cuộc sống bình thường có thể được khôi phục song sự thật là dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Khắp nơi trên lãnh thổ Pháp, các hệ thống đều đang bị căng thẳng và dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và tiếp tục áp dụng các quy định. Các quy định càng được tôn trọng, thì chúng ta sẽ càng cứu được nhiều  người hơn”, Tổng thống Macron khẳng định.

Không chỉ Pháp, các chính phủ trên khắp thế giới cũng đang cân nhắc việc nới lỏng các hạn chế, nhưng trên cơ sở thận trọng và từng bước nhằm tránh nguy cơ một làn sóng lây nhiễm thứ 2 thậm chí còn nghiêm trọng hơn lần 1.

Một số nước ít chịu ảnh hưởng hơn như Áo đã công bố bản đồ chỉ dẫn các tuyến đường được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các biện pháp hạn chế khác sẽ bắt đầu được Áo nới lỏng từ ngày hôm nay và các cửa hàng ở quy mô nhất định sẽ được phép mở cửa trở lại. Tương tự, Cộng hòa Séc cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại từ ngày 9/4.

Trong khi đó, Đan Mạch bắt đầu cho phép các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay từ đầu tuần. Tuy nhiên, không một nước nào trong số những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất như Mỹ (với hơn 23.500 người chết), Italy (hơn 20.000 người), Tây Ban Nha (hơn 17.000 người) hay Anh (hơn 11.000 người) dám đưa ra bất kỳ thời gian biểu cụ thể nào nhằm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Vì thế tại những nước này, biện pháp phong tỏa vẫn tiếp tục được áp dụng.

Cũng giống như Pháp, Anh cũng dự định gia hạn lệnh phong tỏa. Theo Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, những biện pháp được áp dụng hiện nay không nên được dỡ bỏ ngay lập tức, bởi nước Anh vẫn chưa qua giai đoạn đỉnh dịch.

“Bên cạnh những con số tử vong nghiêm trọng, cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực cho thấy chúng ta đã giành chiến thắng bước đầu trong cuộc chiến này. Song vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Những con số kinh khủng mà tôi vừa công bố cho thấy chúng ta vẫn chưa vượt qua giai đoạn đỉnh địch. Vì vậy hay tiếp tục làm theo các khuyến cáo: Hãy ở nhà để cứu sống những người khác và bảo vệ hệ thống y tế quốc gia của chúng ta”, Ngoại trưởng Anh cho biết.

Tại Tây Ban Nha, dù quyết định gia hạn lệnh phong tỏa, song chính phủ nước này cũng cho phép nới lỏng một số hạn chế nhằm giảm bớt áp lực với nền kinh tế sau 2 tuần dừng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu như cho phép người lao động làm việc trở lại có điều kiện. Tại cả Tây Ban Nha và Italy, số ca mắc và tử vong theo ngày đã bớt nặng nề hơn, trong khi tại nhiều nước trong đó có Pháp số bệnh nhân phải theo dõi đặc biệt cũng giảm.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nhấn mạnh tới giai đoạn ổn định của dịch bệnh, dù số ca tử vong theo ngày tại nước này vẫn lên tới 4 con số. Nhà lãnh đạo  Mỹ đang rất nóng lòng tái khởi động nền kinh tế sau khoảng thời gian đình trệ vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 12/4, nhiều thống đốc và thị trưởng đồng tình rằng việc cân bằng nỗ lực chống dịch và giảm thiểu thiệt hại kinh tế là một bài toán khó, song sức khoẻ cộng đồng cần được ưu tiên trong thời điểm này. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thậm chí còn tuyên bố, bất kỳ hành động ngu ngốc nào cũng có thể khiến số ca mắc và tử vong tăng lên ngay lập tức. Bản thân nhà lãnh đạo Mỹ hồi cuối tuần trước cũng phải thừa nhận, mở cửa hay không nền kinh tế sẽ là  quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của ông.

Theo Tổ chức y tế thế giới, tình hình dịch bệnh tại một số nước đã có những chỉ dấu lạc quan, tuy nhiên, hiện còn quá sớm để dỡ bỏ phong tỏa hoặc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh và cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên