Lý do luật mới của Trung Quốc với tàu nước ngoài có thể làm tăng căng thẳng ở Biển Đông
VOV.VN - Việc luật hàng hải mới của Trung Quốc, nhằm kiểm soát việc đi lại của tàu thuyền nước ngoài vào khu vực mà nước này tự ý cho là “lãnh hải”, đi vào hiệu lực ngày 1/9 có thể làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Từ ngày 1/9, luật hàng hải mới của Trung Quốc, nhằm kiểm soát việc các tàu thuyền nước ngoài đi vào khu vực mà Trung Quốc tự ý cho là "lãnh hải" của nước này, chính thức có hiệu lực. Động thái này được cho là có thể gây ra những hệ quả có ảnh hưởng sâu rộng đến các tàu thuyền nước ngoài, cả thương mại và quân sự, khi đi qua Biển Đông, biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan, đồng thời có thể làm leo thang căng thẳng với Mỹ và các quốc gia trong khu vực.
Theo luật mới của Trung Quốc, các tàu thuyền nước ngoài dù là quân sự hay thương mại được yêu cầu từ giờ trở đi phải báo cáo với Trung Quốc khi đi vào khu vực gọi là "lãnh hải" của nước này. Trang Hoàn cầu Thời báo dẫn tuyên bố của Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết: "Các tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở chất liệu phóng xạ, tàu chở quặng, chất hóa học, khí hỏa lỏng và các chất độc hại khác được yêu cầu phải báo cáo chi tiết khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc".
Cũng theo bài báo này, các tàu thuyền "gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc" sẽ được yêu cầu thông báo tên của tàu, tín hiệu gọi tàu, vị trí hiện tại, cảng ghé và thời gian ước tính đến nơi. Tên của các loại hàng hóa nguy hiểm trên tàu và trọng tải toàn phần của hàng hóa cũng được yêu cầu phải báo cáo.
Monika Chansoria, học giả cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo, đồng thời là chuyên gia về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và an ninh châu Á nhận định, động thái trên là sự tiếp nối sau một loạt quyết định của Trung Quốc làm dấy lên rủi ro ở Biển Đông và biển Hoa Đông kể từ năm 2020.
"Tất cả những tuyên bố này rất đáng báo động bởi chúng làm tăng rủi ro tính toán sai lầm, điều có thể đe dọa đến sự ổn định và an ninh chung trên Biển Đông, biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan", chuyên gia Chansoria nhận định với Indian Express.
Phản ứng trước việc này, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, các chiến dịch của Hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới của Trung Quốc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, các lực lượng của Mỹ, theo luật quốc tế, sẽ tiếp tục đi qua hoặc hoạt động ở những khu vực này.
"Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép", Trung tá Martin Meiners nhận định với trang Stars and Stripes trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 1/9.
Phía Mỹ từ lâu đã khẳng định, luật pháp của một quốc gia "không được vi phạm" các quyền lợi của những quốc gia khác theo luật pháp quốc tế, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple cho hay.
"Những tuyên bố hàng hải phi pháp, bao gồm cả ở Biển Đông, đã gây ra sự đe dọa nghiêm trọng với tự do trên biển, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và hoạt động hương mại hợp pháp không bị cản trở, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông cũng như các quốc gia ven biển khác".
Với việc luật mới của Trung Quốc đi vào hiệu lực, nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ. Đầu tiên, hiện chưa rõ Trung Quốc có ý định thực hiện quy định này như thế nào. Những tuyên bố trên cũng cho thấy Mỹ sẽ không thực hiện theo luật mới của Bắc Kinh. Ngoài ra vẫn cần xem xét các bên ký kết còn lại của UNCLOS sẽ phản ứng như nào trước thách thức này./.