Lý do Nga vẫn để căn cứ trực thăng trong tầm bắn của ATACMS
VOV.VN - Nga vẫn đang duy trì triển khai các phi đội trực thăng ở các căn cứ chỉ cách biên giới Ukraine khoảng 6km và cách các vị trí tiền tuyến 75km mà không lo ngại Kiev sẽ nhắm mục tiêu bằng các hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp.
Một trong những mối đe dọa đáng kể đối với Lực lượng Phòng vệ Ukraine là trực thăng tấn công của Nga, đặc biệt là Ka-52 và Mi-28. Để ngăn chặn mối đe dọa này, Ukraine cần phải tăng cường lực lượng phòng không và tiến hành các cuộc tấn công có hệ thống vào các căn cứ không quân của đối phương.
Sau cuộc tấn công bằng hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) vào các sân bay của Nga ở Berdyansk và Lugansk, năng lực phòng không của Ukraine đã được cải thiện nhưng không đủ để buộc Nga phải thay đổi chiến thuật tấn công.
Defense Express dẫn những phân tích về hình ảnh vệ tinh của các chuyên gia cho thấy, Nga vẫn duy trì các phi đội trực thăng ở các căn cứ gần tiền tuyến. Các căn cứ trực thăng được Nga đặt ở Taganrog, Zernograd (vùng Rostov), Buturlinovka (vùng Voronezh), Rovenki (vùng Belgorod), Kirovske (Bán đảo Crimea).
Ngoài những căn cứ được các nhà phân tích quan sát, còn có một số căn cứ trực thăng khác, nơi các máy bay trực thăng của quân đội Nga được tiếp nhiên liệu cho các nhiệm vụ chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine. Theo Defense Express, có ghi nhận máy bay trực thăng tấn công của Nga cất cánh từ căn cứ không quân ở Dzhankoi (Bán đảo Crimea), Belgorod và Valuyki.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 25 trực thăng tấn công Ka-52 hiện diện ở các căn cứ này và số lượng có thể còn lớn hơn.
Một số chuyên gia quân sự đánh giá rằng, tên lửa ATACMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng có thể không phải là giải pháp hiệu quả để đối phó với trực thăng của Nga. Họ chỉ ra các lý do khiến Ukraine khó sử dụng tên lửa ATACMS để tập kích các căn cứ của Nga.
Lý do thứ nhất là hạn chế về mặt kỹ thuật. Trong số các căn cứ không quân của Nga kể trên, có căn cứ Kirovske ở Bán đảo Crimea nằm cách tiền tuyến khoảng 230km. Để nhắm mục tiêu hiệu quả ở khu vực này, lực lượng vũ trang Ukraine cần phiên bản M39A1 của ATACMS với tầm bắn 300km. Tuy nhiên, phiên bản ATACMS Mỹ gửi cho Ukraine chỉ có tầm bắn 165km.
Lý do thứ hai là Ukraine sử dụng vũ khí phải tuân theo các điều kiện mà Mỹ đưa ra. Washington đã nhiều lần cảnh báo Kiev không sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Đó là lý do tại sao Nga có thể triển khai thêm một số máy bay trực thăng tấn công sẵn sàng chiến đấu ở vùng Rovenki, Belgorod, chỉ cách biên giới Ukraine 6km và cách tiền tuyến 75km.
Tuy nhiên, việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu của Nga cũng sẽ khiến Moscow phải di chuyển thiết bị quân sự về phía sau tiền tuyến, ngoài phạm vi hoạt động của vũ khí Ukraine. Việc di dời này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của trực thăng vì tần suất xuất kích giảm, trang thiết bị hao mòn nhiều hơn, đòi hỏi phải bảo trì và sửa chữa liên tục.