Lý giải nguyên nhân nhà thờ Đức Bà Paris thiệt hại nặng vì vụ cháy
VOV.VN - Chris Marrion, nhà tư vấn quản lý thiên tai và hỏa hoạn hé lộ lý do tại sao nhà thờ Đức Bà Paris nhanh chóng bị hư hại nặng trong vụ cháy ngày 15/4.
Chuyên gia cho biết, các vụ cháy xảy ra tại các tòa nhà lịch sử đều có một số lý do chung phổ biến. Lý do thứ nhất là nội thất bên trong tòa nhà thường làm từ là vật liệu dễ cháy. Thứ hai, hệ thống báo cháy với khả năng hạn chế có thể làm chậm trễ khả năng ứng cứu khẩn cấp. Ngoài ra, hệ thống dập lửa ở đây cũng hạn chế hoặc thậm chí không có hệ thống tự động, như vòi phun nước, hoặc bất cứ thứ gì tương tự. Với điều kiện hạn chế, lính cứu hỏa chỉ có thể đến gần tòa nhà và dập lửa bằng cách phun nước từ bên ngoài. Khi tất cả những lý do trên cùng hợp lại, đó sẽ là thách thức lớn để có thể bảo vệ những tòa nhà này trước hỏa hoạn.
Nội thất bên trong tòa nhà chủ yếu được làm từ gỗ. Ảnh: Business Insider |
Xét về yếu tố cấu trúc, kèo gỗ, sàn mái, nội thất trong các tòa nhà này thường được làm từ gỗ. Ở bên ngoài, trông những tòa nhà này giống như được xây bằng đá nên chúng ta thường nghĩ chúng không dễ cháy. Tuy nhiên khi đi vào bên trong, bạn có thể thấy nội thất được bao phủ trong đồ gỗ từ sàn nhà tới bàn ghế,... Và theo thời gian, các tòa nhà tiếp tục tích trữ giấy tờ, bản thảo, cho dù đó là tác phẩm nghệ thuật nhưng chúng thực sự là mối nguy hiểm tiềm tàng.
Một lý do khác là sự ngăn cách lửa giữa các khu vực: không gian bên trong những tòa nhà này thường rộng lớn, không có vách ngăn, điều này cho phép ngọn lửa lan rộng nhanh chóng và khó kiểm soát. Trong quá khứ, họ có thể đã sử dụng tường ngăn lửa nhưng sau đó qua nhiều năm và nhiều thế kỷ, cửa có thể đã được bỏ vì nhiều lý do.
Lính cứu hỏa thường phải chiến đấu với ngọn lửa từ bên ngoài, tuy nhiên mái nhà của các tòa nhà cũ này thường được làm từ đá phiến, chì, đồng nhằm mục đích chống nước. Vì vậy việc phun nước lên những mái nhà để dập lửa bên trong mất rất nhiều thời gian.
Trên thế giới, đã có nhiều đám cháy xảy ra trong thời gian trùng tu các tòa nhà lịch sử như nhà thờ Troitsky ở Nga, Wangdue Phodrang Dzong ở Bhutan cũng bị hỏa hoạn vài năm trước. Những vụ việc này xảy ra bởi có rất nhiều nguồn điện tạm thời và các nguyên vật liệu dễ gây cháy nổ trong quá trình trùng tu mà chúng ta lường trước được.
Chuyên gia cho biết, cần thực hiện các biện pháp giúp cải thiện khả năng chống cháy của các tòa nhà này. Những tòa nhà này đã tồn tại hàng thế kỷ không có nghĩa nó sẽ luôn an toàn, nếu có nguồn đánh lửa thì ngọn lửa sẽ dễ dàng bốc cháy và có nguy cơ lan rộng./.