Mahathir:Malaysia là “cuốn sách mở”,tiếp tục tận dụng công nghệ Huawei
VOV.VN-Thủ tướng Mahathir khẳng định Malaysia sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ Huawei, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự nếu đàm phán Mỹ-Trung thất bại.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 30/5 đã kêu gọi Mỹ hãy nhượng bộ trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc, trong đó có những căng thẳng với tập đoàn viễn thông Huawei, đồng thời cảnh báo rằng, đàm phán thất bại có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Yuki Nakao |
Huawei đã đạt được "bước tiến đáng kể so với công nghệ Mỹ", ông Mahathir nhận định trong hội nghị thường niên Tương lai châu Á được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
“Mặc dù Mỹ đã có khả năng phát triển và một quá trình nghiên cứu lâu dài nhưng họ phải chấp nhận rằng phương Đông cũng có thể có khả năng này", Thủ tướng Malaysia cho biết.
Ông Mahathir cũng nhấn mạnh: "Nếu tôi không dẫn trước, tôi sẽ cấm bạn, tôi sẽ cử tàu chiến, đó không phải là cạnh tranh. Đó là đe dọa".
Gần đây, Mỹ đã đưa Huawei vào "Danh sách thực thể", một danh sách đen của các công ty nước ngoài bị Washington cho là đe dọa an ninh quốc gia. Điều này yêu cầu các công ty Mỹ phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ trong việc xuất khẩu các sản phẩm của họ cho Huawei. Động thái này của Washington đang lan rộng ra bên ngoài biên giới nước Mỹ, ảnh hưởng đến các nguồn cung nước ngoài của Huawei sử dụng các sản phẩm và phần mềm của Mỹ.
Trong khi các quốc gia như Nhật Bản và Australia áp dụng các biện pháp để tránh sử dụng các thiết bị của Huawei thì ông Mahathir đã cho thấy Malaysia không có ý định dừng hợp tác với công ty này.
"Nghiên cứu của Huawei vượt xa Malaysia. Chúng tôi sẽ tận dụng công nghệ của họ nhiều nhất có thể", ông Mahathir cho biết, đồng thời khẳng định thêm ông không quan tâm đến những cáo buộc về các hành vi gián điệp bởi "chúng tôi là một cuốn sách mở".
Nhà lãnh đạo 93 tuổi này vừa trở lại vị trí Thủ tướng trong cuộc bầu cử năm ngoái. Ông Mahathir giành được tín nhiệm do những nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng và cải thiện hệ thống tài chính của chính phủ, trong đó có việc đàm phán với Trung Quốc về một dự án đường sắt ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít nhiều đã phủ bóng lên nền kinh tế Malaysia. GDP của nước này đã giảm trong quý đầu tiên của năm 2019 khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Malaysia.
Mặc dù ông Mahathir vẫn nỗ lực duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc - một đối tác thương mại quan trọng của Malaysia nhưng nhà lãnh đạo này cũng lên tiếng phản đối các động thái quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.
"Không tàu chiến nào nên xuất hiện ở Biển Đông bởi một sự kiện nhỏ cũng có thể dẫn đến chiến tranh", ông Mahathir khẳng định và cho biết thêm, việc các quốc gia Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp qua tòa án quốc tế là một minh chứng cho thấy đàm phán có thể dẫn đến hòa bình và phát triển kinh tế như thế nào.
Nói về thương chiến Mỹ - Trung, Thủ tướng Malaysia nhận định: "Khi 2 người khổng lồ đánh nhau, cỏ cây cũng sẽ bị giẫm nát"./.
Quan hệ Thái Lan-Trung Quốc và bài học “Mahathir” cho Bangkok?