Mâu thuẫn giữa các nước EU trong việc tiếp nhận người tị nạn
VOV.VN - Những quan điểm trái chiều của các nước đang khiến việc xử lý vấn đề người di cư trong khối Liên minh châu Âu (EU) trở nên bế tắc.
Sau khi từ chối mở cửa cảng cho tàu Aquarius của Pháp chở những người di cư trái phép được cứu, ngày 16/6, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn khi cảnh báo sẽ không cấp phép cho các tàu cứu người di cư khác đang ở ngoài khơi bờ biển Lybia được cập cảng Italy.
Tàu cứu hộ Aquarius. Ảnh: Radio.cz
Trên tài khoản mạng xã hội Facebook, Bộ trưởng Nội vụ Italy Salvini nhấn mạnh, Italy không muốn trở thành kẻ đồng lõa với những tên buôn người cũng như tiếp tay cho hoạt động nhập cư bất hợp pháp. Thông điệp của ông Salvani nhằm mục tiêu cụ thể vào hai tàu cứu hộ mang cờ Hà Lan do Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) là Lifeline và Seefuchs điều hành và hiện hoạt động ở vùng biển Lybia.
Theo ông Salvini, hai tàu này đang chờ để chuyên chở những người di cư bị bọn buôn người bỏ lại và họ sẽ không được phép tiếp cận các cảng của Italy. Ông cũng tuyên bố chỉ những người di cư được cứu bởi các tàu của nước này mới có thể được đưa đến các cảng của Italy.
Trước đó, hôm 9/6, tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Trong số này có 123 trẻ em không có người thân đi cùng và 7 phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cả Malta và Italy đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy. Tây Ban Nha sau đó tuyên bố sẽ tiếp nhận con tàu này và dự kiến Aquarius sẽ cập cảng Valencia trong ngày 17/6.
Thủ tướng Đức muốn tổ chức hội nghị khẩn cấp với EU về vấn đề di cư
Việc Italy quyết định từ chối tiếp nhận 629 người di cư từ tàu cứu hộ Aquarius đã làm bùng phát mâu thuẫn giữa Italy và Pháp khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/6 cáo buộc Italy "vô trách nhiệm". Đáp lại chỉ trích gay gắt này, một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Italy đã triệu Đại sứ Pháp tại Italy tới để phản đối.
Sau khi các nước đùn đẩy việc tiếp nhận người di cư như đã xảy ra đối với tàu cứu hộ Aquarius ở Địa Trung Hải, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định sự cần thiết phải có một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho vấn đề này.
Trong một tuyên bố vào hôm qua, Thủ tướng Merkel nói: “Vấn đề người di cư đang là một thách thức lớn. Nó cũng là vấn đề của châu Âu và cần có một câu trả lời từ các nước châu Âu. Tôi coi đây là một trong những yếu tố quan trọng trong sự gắn kết của châu Âu”.
Thủ tướng Merkel cũng đề cập tới sự hợp tác giữa Đức và Pháp, khẳng định hai nước sẽ tìm câu trả lời cho 4 thách thức lớn hiện nay gồm chính sách an ninh - quốc phòng - ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), vấn đề người di cư, sự phát triển của liên minh kinh tế và tiền tệ trong tương lai cũng như sự đổi mới của liên minh.
Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Merkel đang tìm cách tổ chức một cuộc họp giữa các nước EU để thảo luận về vấn đề di cư. Cuộc họp này nhiều khả năng diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.
Truyền thông Đức dẫn lời một số nguồn tin thuộc cơ quan đại diện của các nước EU cho hay bà Merkel muốn thảo luận với các đối tác Hy Lạp, Italy và Áo về những giải pháp khả thi đối với vấn đề di cư.
Các tổ chức quốc tế hiện cũng ý thức rõ tình trạng bế tắc giữa các nước châu Âu trong vấn đề người di cư, đặc biệt qua vụ tiếp nhận người nhập cư trên tàu Aquarius. Dù hơn 600 người nhập cư trên con tàu này được cập cảng Valencia của Tây Ban Nha chấm dứt hành trình kinh hoàng trong suốt tuần qua, song lại gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt ở châu Âu liên quan tới cách thức xử lý vấn đề.
Hội Chữ thập Đỏ và Bác sĩ Không biên giới đã cảnh báo châu Âu cần thay đổi chính sách nhập cư để chấm dứt tình trạng hàng nghìn người di cư bỏ mạng trên biển khi tìm cách tới châu lục này./.
Tây Ban Nha tiếp nhận hơn 600 người di cư mắc kẹt trên Địa Trung Hải