Mâu thuẫn khí đốt Nga - Ukraine - EU lại "nóng"

Nguyên nhân của sự căng thẳng này là do ngày 23/3 Ukraine và EU đã ký với nhau một Tuyên bố chung về vấn đề hiện đại hóa hệ thống trung chuyển khí đốt (GTS) của Ukraine, mà không có sự tham gia của Nga

>> EU và Ukraine ký thoả thuận nâng cấp đường ống khí đốt

Sự việc này đã gây phản ứng khá gay gắt từ phía Nga. Phái đoàn Nga tham gia hội nghị đã rời khỏi phòng họp để phản đối việc Nga thực tế bị loại khỏi tiến trình thảo luận, còn Thủ tướng Nga đe dọa xem xét lại quan hệ với EU nếu lợi ích của Nga bị bỏ qua. Bộ Ngoại giao Nga thì cảnh báo Tuyên bố chung nêu trên có thể làm tăng giá khí đốt Nga cung cấp cho Ukraine và EU.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho rằng "nếu đánh giá nhẹ nhàng" thì Tuyên bố chung này là "thiếu cân nhắc và không chuyên nghiệp". Ông tuyên bố nếu lợi ích của Nga bị "phớt lờ", Nga sẽ buộc phải xem xét lại các nguyên tắc quan hệ với EU. Theo ông Putin, thảo luận vấn đề tăng lượng trung chuyển khí đốt qua Ukraine mà không có nhà cung cấp chính (Nga) là "không nghiêm túc và vô nghĩa". Ông khẳng định Nga sẵn sàng cùng làm việc một cách xây dựng với tất cả các đối tác, song đánh giá tình hình sẽ "rất tồi tệ" nếu Tuyên bố chung trên giữa Ukraine và EU là "khởi đầu cho nỗ lực xem thường lợi ích của Nga".

Bộ trưởng Năng lượng Nga, đồng thời là trưởng phái đoàn Nga tham gia dự hội nghị, Sergey Smatko nhấn mạnh trong Tuyên bố chung, Nga hoàn toàn không được nhắc đến như một đối tác chiến lược và nhà cung cấp khí đốt cho EU, trong khi văn kiện nói về buôn bán và trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine. Ông tuyên bố đây là những vấn đề đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của Nga và tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom, vì vậy Nga công khai phản đối hình thức hợp tác này giữa EU và Ukraine. Theo ông Smatko, Nga đề nghị EU và Ukraine kí kết một hiệp định chính trị ba bên về hiện đại hóa GTS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Andrey Nesterenko tuyên bố một loạt điều khoản trong Tuyên bố chung trên đi ngược lại các thỏa thuận giữa Nga và Ukraine ký kết tháng 1/2009 và có thể làm tăng giá khí đốt. Ông cho biết thỏa thuận Nga - Ukraine ký tháng 1/2009 qui định rõ giá khí đốt và thuế trung chuyển, nhưng một loạt điểm trong tuyên bố chung chứa đựng khả năng tăng thuế trung chuyển khí đốt.

Trước những phản ứng gay gắt của Nga, các quan chức Ukraine và EU đã có những tuyên bố "xoa dịu" tình hình. Thủ tướng Ukraine Yulia Timoschenko hứa hẹn "không để Nga đứng ngoài" việc hiện đại hóa GTS, đồng thời khẳng định Ukraine và EU có ý định rõ ràng mời Nga tham gia chương trình này như một đối tác.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố EU hoan nghênh Nga tham gia kế hoạch trên. Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách năng lượng thì khẳng định EU xem Nga như nhà cung cấp năng lượng chủ chốt và không có ý định giảm nhẹ vai trò của Nga trên thị trường khí đốt, và rằng "Tuyên bố chung trên không nhằm chống lại Nga".

GTS qua lãnh thổ Ukraine là hệ thống lớn thứ hai ở châu Âu, với tổng chiều dài 37,6 nghìn km. Sau cuộc xung đột khí đốt Nga/Ukraine tháng 1/2009, khiến các nước châu Âu không được cung cấp khí đốt từ Nga trong gần 3 tuần mùa Đông, EU đã đề nghị cấp kinh phí để hiện đại hóa GTS trên và tiến hành hội nghị tài trợ ngày 23/3 tại Brusselles. EC cho rằng kinh phí cho dự án này vào khoảng 3 tỷ euro, song các chuyên gia đánh giá cần tới 16 tỷ euro để hiện đại hóa GTS ở Ukraine. Dự kiến sau khi nâng cấp, công suất vận chuyển của hệ thống này sẽ đạt 200 tỷ mét khối khí đốt (hiện là 140 tỷ mét khối). Theo tuyên bố chung giữa Ukraine và EU, việc hiện đại hóa hệ thống này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2011./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên