Máy bay không người lái: Ác mộng của người dân Pakistan
VOV.VN - Hình ảnh nước Mỹ trở nên “xấu xí” trong mắt người dân Pakistan chỉ vì chương trình sử dụng máy bay không người lái.
Ngày 29/10, các nhân chứng của một vụ tấn công do máy bay không người lái Mỹ thực hiện hồi năm 2012 đã có buổi nói chuyện với các thành viên của Quốc hội Mỹ. Trong buổi nói chuyện này, họ đã khẩn thiết kêu gọi Chính phủ Mỹ có hành động để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại máy bay này.
Anh Rafiq ur Rehman, trong buổi nói chuyện với các thành viên Quốc hội Mỹ (Ảnh: AFP) |
Anh Rafiq ur Rehman, một giáo viên tiểu học đến từ Bắc Waziristan, Pakistan cùng với 2 người con của anh chính là khách mời đặc biệt trong buổi nói chuyện nêu trên. Họ có mặt ở Washington theo lời mời của Nghị sĩ Alan Grayson để kể về vụ tấn công của máy bay không người lái Mỹ vào tháng 10/2012, đã giết chết người mẹ 67 tuổi của Rehman.
Người mẹ quá cố của Rehman, bà Momina Bibi là một người dân bình thường, bà vẫn được người dân trong khu vực biết đến như một bà đỡ giàu kinh nghiệm và không phải là một chiến binh. Sau sự việc đau lòng nói trên, Mỹ đã không chính thức thừa nhận vụ tấn công và cũng không nhận trách nhiệm liên quan.
Anh Rehman nói: “Không ai cho tôi biết tại sao mẹ tôi là trở thành mục tiêu tấn công ngày hôm đó. Tất cả các phương tiện truyền thông đưa tin có 3, 4, 5 tay súng thiệt mạng. Nhưng trên thực tế chỉ có một người đã bị giết chết trong vụ tấn công đó. Một người mẹ, một người bà, một bà đỡ”.
Anh Rehman nói thêm: “Chẳng có một chiến binh nào cả, chỉ có người mẹ của tôi. Kể từ sau khi bà ra đi, cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng tôi cảm thấy cô đơn và mất mát này không có gì bù đắp được”.
Phát biểu trước các thành viên của Quốc hội Mỹ, anh Rehman cũng bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã mời anh tới tham dự buổi nói chuyện và nhấn mạnh rằng, người dân Pakistan tin tưởng vào nỗ lực làm sáng tỏ các hoạt động của máy bay không người lái của một số thành viên Chính phủ Mỹ.
Con trai của Rehman, Zubair, 12 tuổi kể lại: “Trong khi cháu đang giúp bà nội làm cỏ thì nghe thấy tiếng máy bay ù ù trên đầu. Cháu và bà biết đó là máy bay không người lái nhưng không quá lo lắng vì bà và cháu không phải là những chiến binh”.
Máy bay không người lái, cơn ác mộng với người dân Pakistan (Ảnh: AFP) |
Zubair nói thêm: “Cháu không còn thích bầu trời xanh như trước nữa, giờ cháu thích bầu trời đêm hơn. Bởi vì khi trời sáng, máy bay sẽ quay trở lại và mọi người phải sống trong sợ hãi. Chúng cháu thường thích chơi ở bên ngoài. Nhưng bây giờ cháu và các bạn rất sợ khi rời khỏi nhà và vì thế nên chúng cháu không còn có thể nô đùa ngoài trời thường xuyên nữa”.
Em gái của Zubair, bé Nabila, 9 tuổi thì nói: “Cháu nghe thấy tiếng ồn lớn trên không trung. Tất cả tối sầm lại và cháu không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, cháu chỉ nghe thấy tiếng hét. Cháu đã rất sợ hãi và bỏ chạy”.
Đạo diễn Robert Greenwald, một nhà sản xuất phim tài liệu kỳ cựu, người đã có mặt ở Pakistan nhiều tháng qua để thực hiện một dự án liên quan đến các vụ tấn công của máy bay không người lái Mỹ nói: “Nếu trước đây có 100 hoặc 200 kẻ cực đoan ở khu vực này thì giờ đây con số những người căm ghét nước Mỹ chỉ vì chương trình sử dụng máy bay không người lái đã lên đến con số 800.000”.
Nhận định trên của ông Greenwald không phải là không có cơ sở. Tuần trước, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ rằng, cứ sau mỗi vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Yemen lại có hàng chục chiến binh mới tham gia vào cuộc chiến chống lại nước Mỹ”.
Ông Greenwald cho rằng, theo số liệu mà ông thu thập được thì có khoảng 178 trẻ em bị giết chết sau các vụ tấn công của máy bay không người lái Mỹ ở Pakistan. Một nghiên cứu độc lập khác cho thấy, tổng số thường dân là nạn nhân của máy bay không người lái Mỹ có thể lên đến hàng nghìn người.
Nghị sĩ Grayson nói: “Tôi đã được chứng kiến những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hình ảnh nước Mỹ đang ở mức thấp nhất trong mắt người dân Pakistan kể từ nhiều năm qua. Và nguyên nhân dẫn đến điều này chính là vì chương trình sử dụng máy bay không người lái”.
Bức tranh của bé Nabila, 9 tuổi, mô tả lại sự việc kinh hoàng do máy bay không người lái Mỹ gây ra (Ảnh: AFP) |
Nhà Trắng vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, cơ quan tình báo đã kết hợp chia sẻ thông tin với quân đội về các mục tiêu trước khi tiến hành các vụ không kích, và thiệt hại ngoài mong đợi luôn được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, theo ông Greenwald, quy trình làm việc này không phải là không có những sai sót.
Ông Greenwald nói: “Chúng ta đã đưa ra những quyết định như thế nào? Phải chăng những quyết định đó dựa trên sự phán đoán? Điều này cần phải làm rõ”.
Trong khi đó, cậu bé Zubair nói: “Cháu hy vọng khi nói cho mọi người về ngôi làng và bà nội của cháu, mọi người có thể nhận ra rằng, máy bay không phải là lựa chọn tốt để có thể giải quyết những gì đang diễn ra”.
Theo dự kiến, gia đình anh Rehman có buổi nói chuyện với một số thành viên Quốc hội Mỹ trong tháng 9 nhưng luật sư của họ là Mirza Shahzad Akbar được cấp thị thực muộn nên kế hoạch này đã bị đẩy lùi lại sáng tháng 10.
Trả lời tờ RT của Nga, ông Akbar cho rằng, sự chậm trễ này là có chủ đích vì sự có mặt của ông sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của chương trình sử dụng máy bay không người lái của Mỹ.
Ông Akbar nói: “Tôi nghĩ lý do là rất rõ ràng, tôi đã từng chỉ trích chương trình này của Mỹ ở Pakistan và có những hành động pháp lý khác chống lại các chương trình của CIA ở Pakistan kể từ năm 2010. Trước khi tôi bắt đầu điều tra về chương trình máy bay không người lái của Mỹ, tôi không gặp vấn đề với thị thực Mỹ. Trên thực tế, tôi đã từng được cấp một thị thực ngoại giao tới Mỹ trong 2 năm”.
Ông Akbar nói thêm: “Buổi nói chuyện với các thành viên Quốc hội Mỹ là một dịp để thân chủ của tôi nói lên tiếng nói của nhiều người dân Pakistan khác. Tổng thống Obama nói rằng các cuộc tấn công có mục tiêu chính xác, và họ chỉ tiêu diệt các chiến binh nổi loạn. Đó là điều không đúng, Rehman và 2 con của anh ấy là những nhân chứng sống phản ánh về sự thật đang diễn ra”./.