Máy bay Malaysia có thể đã vỡ ở độ cao trên 10.000m?
VOV.VN - Đây là giả thiết được các nhân viên điều tra vụ chiếc máy bay Boing 777 của hãng Malaysia Airlines mất tích đặt ra.
Theo Reuters, giả thiết trên được đưa ra trước khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của Việt Nam cho biết đã tìm thấy một mảnh vỡ được cho là từ chiếc máy bay mất tích.
Gần 48 giờ sau khi mất bị mất liên lạc, số phận của chiếc máy bay của Malaysia vẫn rất bí ẩn.
Nghi vấn máy bay bị nổ tung ở trên không
“Thực tế việc chúng tôi chưa thể tìm ra một mảnh vỡ nào của chiếc máy bay này cho thấy rất có thể chiếc máy bay này đã bị vỡ tan ở độ cao trên 35.00 feet (khoảng 10.600m)”, thông tin từ một quan chức giấu tên tham gia cuộc điều tra cho biết.
Nếu chiếc máy bay này còn nguyên vẹn khi lao xuống biển thì nó chỉ có thể vỡ tan khi chạm vào mặt nước và trong trường hợp đó các nhóm tìm kiếm sẽ tìm thấy khá nhiều mảnh vỡ tập trung tại một nơi”, quan chức này cho biết thêm.
Các phi công Việt Nam tham gia tìm kiếm cứu nạn (Ảnh Reuters) |
Khi được hỏi về khả năng máy bay này bị nổ (có thể là do bị đánh bom), quan chức này nói rằng hiện vẫn chưa có bằng chứng gì về việc này và cho rằng máy bay có thể bị vỡ tan do nguyên nhân cơ học.
Vào cuối ngày 9/3, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đăng tải trên website của mình rằng một chiếc thuỷ phi cơ của Việt Nam đã tìm thấy một mảnh vỡ trên biển nghi là một phần của chiếc máy bay bị nạn.
Tuy nhiên, do lúc đó trời khá tối nên không thể chắc chắn được điều này. Các máy bay tìm kiếm sáng hôm nay (10/3) sẽ tiếp tục quay lại vị trí có mảnh vỡ đó để điều tra thêm.
“Hiện nay vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu gì của chiếc máy bay này”, Cục trưởng cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman nói.
“Nói về khả năng máy bay bị cướp tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta không loại trừ khả năng nào cả”, ông Rahman tuyên bố với phóng viên.
Các quan chức Malaysia nói rằng họ đang mở rộng việc tìm kiếm trên toàn bộ khu vực biển Malaysia và Việt Nam và điều tra về hai hành khách được cho là lên máy bay bằng hộ chiếu giả.
Rắc rối từ việc hành khách mang hộ chiếu giả có thể lên máy bay
Trong danh sách hành khách lên máy bay có tên của 2 người châu Âu là Christian Kozel người Áo và Luigi Maraldi người Italy. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao các nước thì hai người này đều không lên máy bay và cả hai đều bị mất hộ chiếu tại Thái Lan khi đi du lịch trong vòng 2 năm qua.
BBC cho biết cả hai người trà trộn lên máy bay bằng hộ chiếu giả đã mua vé cùng nhau tại Pattaya, Thái Lan và sẽ bay sang châu Âu từ Bắc Kinh, có nghĩa là họ sẽ không phải nộp đơn xin visa của Trung Quốc và không bị kiểm tra nữa.
Trước tình hình trên, Cảnh sát quốc tế (Interpol), đơn vị sở hữu lượng thông tin khổng lồ bao gồm hơn 40 triệu vụ mất hộ chiếu, đã yêu cầu các nước cần phải sử dụng lượng thông tin này nhiều hơn nữa để ngăn chặn những kẻ đi du lịch qua biên giới sử dụng hộ chiếu giả.
Interpol xác nhận rằng, đã có dữ liệu về việc hai công dân Kozel và Maraldi trình báo là mất hộ chiếu vào năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, cho đến nay không có quốc gia nào vào trang thông tin của Interpol để kiểm tra kể từ khi hộ chiếu của cả 2 người này bị mất.
Anh Maraldi giơ chiếc hộ chiếu mới được cấp lại tại Thái Lan (Ảnh AP) |
“Trong khi còn quá sớm để kết nối vụ mất hộ chiếu và vụ máy bay Malaysia bị mất tích với nhau. Rõ ràng 1 điều rất đáng lo ngại là bất kỳ hành khách nào cũng có thể lên một chuyến bay quốc tế sử dụng một hộ chiếu bị lấy cắp ngay cả khi thông tin về hộ chiếu bị mất cắp được đăng tải trên website của Interpol”, Tổng thư ký Interpol Ronald Noble tuyên bố.
Báo chí Malaysia trích dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi cho biết hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả lên máy bay là người châu Á và ông chỉ trích các nhân viên hải quan đã cho họ lên máy bay.
“Tôi vẫn không thể tin được việc này và không hiểu các nhân viên hải quan trên nghĩ gì nữa mà cho phép những người có hộ chiếu Italy và Áo với khuôn mặt châu Á lên máy bay”, ông Hamidi tuyên bố cuối ngày 9/3.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein cho biết các quan chức nước này đã điều tra danh tính của hai hành khác trên máy bay. Ông Hussein nói rằng FBI của Mỹ cũng sẽ hỗ trợ cuộc điều tra này.
Tuy nhiên, ông Hussein cũng lưu ý rằng một vụ tấn công máy bay cũng chỉ là một giả thiết cần được điều tra.
“Chúng tôi đang cân nhắc mọi khả năng. Chúng tôi chưa thể quay sang "tìm súng ngay được" (ám chỉ việc điều tra khủng bố) vì ưu tiên hàng đầu của chúng tôi bây giờ là tìm chiếc máy bay bị mất tích”, ông Hussein nói./.