Meta từ chối tiếp tục trả tiền cho báo chí Australia
VOV.VN - Australia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới buộc 2 ông lớn công nghệ là Google và Facebook trả tiền cho các cơ quan báo chí của nước này vì sử dụng tin tức của các cơ quan này. Tuy vậy, Meta, công ty sở hữu trang Facebook vừa cho biết sẽ không tiếp tục trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia.
Chiều 1/3 (theo giờ địa phương), công ty Meta sở hữu trang Facebook ra thông báo cho biết sẽ không đàm phán để tiếp tục trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia. Trong tuyên bố của mình, Meta cho hay, bắt đầu từ tháng 4 tới, trang Facebook sẽ loại bỏ táp Tin tức trên trang của mình tại Australia và điều này có nghĩa là Facebook sẽ không hỗ trợ các cơ quan báo chí cung cấp các tin tức nổi bật trên nền tảng của mình, vì thế cơ quan này sẽ không đàm phán về một thỏa thuận trả tiền mới cho các cơ quan báo chí Australia.
Mặc dù không chủ động cung cấp tin tức cho người sử dụng Facebook nhưng Meta cho biết, những người sử dụng nền tảng này vẫn có thể tiếp cận các nội dung tin tức của các báo trên nền tảng của mình.
Năm 2023, Meta cũng đã có hành động tương tự với Anh, Pháp và Đức.
Năm 2021, dưới sức ép của chính quyền Australia, Meta và Google đã ký nhiều thỏa thuận để trả tiền cho nhiều cơ quan báo chí Australia do đã sử dụng nội dung tin tức của các cơ quan này trên nền tảng của mình.
Nhiều thỏa thuận sẽ hết hạn trong năm nay, vì thế vào các cơ quan báo chí Australia đang hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận tương tự trong những tháng tới. Trong khi Google cho biết đang đàm phán với một số cơ quan báo chí Australia, Meta khẳng định sẽ không đàm phán và ngừng việc trả tiền.
Trong một tuyên bố chung đưa ra sau khi Meta công bố quyết định của mình, Bộ trưởng Truyền thông Michelle Rowland và Thứ trưởng Bộ trưởng Ngân khố Australia Stephen Jones khẳng định, quyết định của Meta cho thấy “sự lơ là của họ đối với tính bền vững của các cơ quan báo chí của Australia. Quyết định này đã loại bỏ nguồn thu đáng kể của các cơ quan báo chí Australia trong lúc họ xứng đáng được đền bù công bằng cho những nội dung mà họ cung cấp”.
Bộ trưởng Michelle Rowland cho biết, “chính phủ Australia cam kết tuân thủ đạo luật Đàm phán nội dung tin tức” và “sẽ thảo luận với Bộ Tài chính và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia về các bước đi tiếp theo”.