Một năm Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva

Cuối tháng 12/2008, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lên nắm quyền trong bối cảnh khủng khoảng chính trị trong nước, mâu thuẫn xã hội và nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới.

Tuy nhiên, một năm trôi qua, có thể nói chính phủ Thái Lan đã đạt được kết quả nhất định trong việc ổn định tình hình đất nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Ổn định tình hình đất nước

Chính phủ Thái Lan do thủ tướng Abhisit Vejjajiva đứng đầu bước vào điều hành đất nước trong bối cảnh mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa các phe phái. Lúc đó, dư luận lo ngại khả năng lãnh đạo cũng như thời gian tồn tại của chính phủ. Phe Áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra liên tục tổ chức biểu tình, gây bất ổn tình hình đất nước, ảnh hưởng đến uy tín của Thái Lan – nơi vốn được mệnh danh là “Đất nước nụ cười”. Lượng khách du lịch nước ngoài giảm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại tạm hoãn các dự án đầu tư vào Thái Lan...

Thế nhưng dưới sự điều hành của thủ tướng Abhisit Vejjajiva, chính phủ Thái Lan đã áp dụng các biện pháp kiên quyết, ban hành luật an ninh nội địa bảo đảm an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN và đời sống người dân trong khu vực diễn ra biểu tình của phe Áo đỏ; kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân hợp tác cùng chính phủ đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, tiến hành quá trình chuẩn bị cho sửa đổi Hiến pháp… Sau những nỗ lực đó, tình hình đất nước dần đi vào ổn định. 

Hạn chế được sự đi xuống của nền kinh tế

Ổn định bước đầu tác động tích cực đến nền kinh tế Thái Lan. Các chính sách với Kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn ngắn hạn và trung hạn bắt đầu có kết quả. “Kế hoạch Thái Lan mạnh”; Chương trình nợ ngoài ngân hàng (giúp giải quyết nợ của dân nghèo vay của các chủ cho vay nặng lãi); Chương trình trợ giúp giá nông nghiệp; Chương trình học không mất tiền 15 năm; chính sách phúc lợi xã hội, trợ giá sinh hoạt cho người cao tuổi và người tàn tật… Các biện pháp và chính sách này hạn chế tốc độ đi xuống của nền kinh tế.

Những tháng cuối năm 2009, kinh tế Thái Lan thoát khỏi điểm thấp nhất và bắt đầu tăng trưởng dương. Có thể thấy qua các con số: 3 quý đầu năm tăng trưởng âm, nhưng đến quý 4 bắt đầu tăng trưởng dương; xuất khẩu tăng trưởng dương (+)17% so với âm (-)28% đầu năm. Chương trình tái đào tạo nghề cho lao động mất việc làm và sinh viên tốt nghiệp tạo việc làm cho 300.000 lao động, giúp giảm một nửa số người thất nghiệp so với con số 800.000 người đầu năm. Dự báo, năm 2010 tăng trưởng kinh tế của Thái Lan là 3,5%.

Trong lĩnh vực du lịch, đạt 14 triệu lượt khách nước ngoài, so với chỉ tiêu đề ra là 10 triệu lượt khách. Chính vì vậy, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đặt mục tiêu năm 2010 thu hút 16 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, thu nhập 560 tỉ bath.

Năm 2009, với vai trò chủ tịch ASEAN, Thái Lan đã có các hoạt động tích cực góp phần vào thành công của các hội nghị ASEAN, trong đó đáng chú ý là thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN 14 và 15 tại Huahin – Cha-am, thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 15, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua 7 văn kiện quan trọng, trong đó có văn kiện Tăng cường kết nối ASEAN, Thúc đẩy hợp tác giáo dục hướng tới Cộng đồng chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau, Tuyên bố biến đổi khí hậu, Tuyên bố thúc đẩy hợp tác giáo dục… 

Còn nhiều thách thức

Mặc dù đạt được thành tích nhưng thủ tướng Abhisit Vejjajiva cũng đã thừa nhận còn nhiều lĩnh vực ông chưa hài lòng, như khủng hoảng chính trị, mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị, tham nhũng, bạo lực ở các địa phương phía Nam…

Đó cũng là những khó khăn và thách thức mà chính phủ Thái Lan dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong năm mới 2010 phải giải quyết. Còn nhiều thách thức trở ngại đang chờ đợi ở phía trước. Nếu chính phủ của Thủ tuớng Abhisit Vejjajiva tiến hành thành công hoà giải dân tộc, đoàn kết được các lực lượng chính trị, chắc chắn Thái Lan sẽ dần đi vào ổn định, đưa đất nước đi lên ./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên