Một vệ tinh nghiên cứu của NASA sẽ rơi xuống Trái Đất

Nguy cơ đe dọa tính mạng con người cũng như những thiệt hại vật chất từ vụ rơi vệ tinh này là rất thấp.

Theo tính toán của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cuối tuần này, vệ tinh “Nghiên cứu tầng khí quyển” (UARS), nặng 6 tấn sẽ rơi xuống Trái Đất. Thời gian và địa điểm chính xác mà vệ tinh này trở về Trái Đất vẫn chưa thể xác định.

Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia đã xác định được thời điểm vệ tinh “Nghiên cứu tầng khí quyển” rơi xuống Trái Đất - sớm nhất là ngày 22/9 và muộn nhất có thể là ngày 24/9 (theo giờ Mỹ). Khu vực vệ tinh có thể rơi xuống là tất cả các điểm nằm trong vĩ độ 57 độ Bắc và 57 độ Nam, gồm các địa phương của Canada, Scotland và Kape Hon, cực Nam của Nam Mỹ.

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cho biết, vệ tinh “Nghiên cứu tầng khí quyển” đã hoạt động 20 năm trên quỹ đạo, có chiều dài 10,7 mét và đường kính 4,6 mét. Khi tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất, vệ tinh này sẽ tách vỡ thành hơn 100 mảnh nhỏ. Phần lớn các mảnh vỡ này sẽ cháy trước khi rơi xuống Trái Đất. Sẽ có khoảng 26 mảnh kim loại rơi xuống, với mảnh nặng nhất khoảng 136 kg, và rơi rải rác trong phạm vi trải dài 800 km. Tốc độ bay của vệ tinh “Nghiên cứu tầng khí quyển” trên quỹ đạo hiện là 8 km/giây.

Theo các nhà khoa học, nguy cơ đe dọa tính mạng con người cũng như những thiệt hại vật chất từ vụ rơi vệ tinh này là rất thấp, với xác suất gây thương tích chỉ là 1/3.200. Các mảnh vỡ của vệ tinh này không chứa các chất hóa học độc hại, nhưng có thể rất sắc nhọn.

Các nhà khoa học cũng cho biết, vệ tinh này trị giá 740 triệu USD đã được phóng lên vũ trụ năm 1991 và ngừng hoạt động từ năm 2005 sau khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA hạ thấp quỹ đạo bay phù hợp với lượng nhiên liệu còn lại của vệ tinh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên