Mỹ bắt giữ điệp viên Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật hàng không
VOV.VN - Yanjun Xu-nhân viên tình báo cấp cao thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) bị dẫn độ từ Bỉ đến Mỹ hôm 9/10 với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Nhà chức trách Mỹ vừa bắt giữ một nhân viên tình báo cấp cao của Trung Quốc với cáo buộc cố tình đánh cắp các bí mật thương mại từ công ty GE Aviation và các công ty hàng không vũ trụ khác của Mỹ.
GE Aviation là công ty con của tập đoàn đa quốc gia General Electric. Ảnh: Reuters. |
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách An ninh quốc gia, ông John C.Demers, hôm 10/10 cho biết, Yanjun Xu - nhân viên tình báo cấp cao thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), còn được biết đến với các tên gọi khác như Qu Hui và Zhang Hui – bị dẫn độ từ Bỉ đến Mỹ hôm 9/10 với sự hợp tác của chính quyền Bỉ. Nhân vật này bị cáo buộc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin nhạy cảm từ một công ty của Mỹ đi đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ông Yanjun Xu đã phải ra hầu tòa tại thành phố Cincinnati (Mỹ) ngày 10/10.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, đối tượng có thể chịu án tù 25 năm và bị phạt tiền nếu bị kết tội. “Ít nhất là vào tháng 12/2013 và cho đến khi bị bắt giữ, Yanjun Xu đã nhắm vào một số công ty bên trong và bên ngoài nước Mỹ, được coi là đứng đầu trong lĩnh vực hàng không. Người này đã xác định và tiếp cận các chuyên gia đang làm việc cho những công ty trên và mời họ sang Trung Quốc, thông thường với mục đích ban đầu là thực hiện các bài giảng tại trường đại học”, tuyên bố của Bộ này nêu rõ.
Thông tin trên được công bố chỉ vài giờ sau khi Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ lớn hơn cả Nga. Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Trung Quốc đang tìm cách gây tổn hại các lợi ích của Mỹ về mặt địa chính trị, kinh tế và quân sự.
Chịu trách nhiệm thu thập các thông tin tình báo và tiến hành điều tra những vấn đề liên quan đến sự tiếp xúc giữa các cơ quan, tổ chức của Trung Quốc và các cơ quan nước ngoài, MSS có chức năng và nhiệm vụ tương đương với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Ông Xu Yanjun là phó giám đốc phụ trách chi nhánh của cơ quan này tại tỉnh Giang Tô.
Mối lo ngại về hành vi gián điệp của Trung Quốc cũng được đề cập trong tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ phát hành hôm 10/10, theo đó chính phủ liên bang sẽ thắt chặt các quy định đối với đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả ngành hàng không vào tháng 11/2018.
Động thái này phù hợp với Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro đầu tư (FIRRMA), được thông qua hồi tháng 8/2018, nhằm phản ứng trước cảnh báo của giới tình báo Mỹ về việc công nghệ hiện đại của Mỹ đang bị chuyển giao cho các công ty Trung Quốc thông qua việc mua lại, hoặc các biện pháp khác, mà có thể làm giảm ưu thế quân sự của Mỹ trước Trung Quốc.
Các quy định tạm thời, được xem như bước đệm cho đến khi FIRRMA được thực thi đầy đủ vào năm 2020, trao cho Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) thẩm quyền xem xét bất cứ các giao dịch nào giúp cho một thực thể nước ngoài truy cập thông tin mật của các công ty đang phát triển công nghệ quan trọng.
Ông John Demers, người đứng đầu Vụ An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, tuyên bố: “Dẫn độ Yanjun Xu về Mỹ là một hành động được thực hiện kịp thời, phù hợp với các quy định của FIRRMA, mà qua đó giúp thắt chặt việc giám sát các giao dịch giữa công ty Mỹ và các công ty nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, góp phần đánh giá xem những giao dịch đó ảnh hưởng như thế nào đến công nghệ nhạy cảm của Mỹ hoặc an ninh quốc gia Mỹ”.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, việc dẫn độ nghi phạm Yanjun Xu về Mỹ là nỗ lực chung của bộ phận thuộc Cục điều tra liên bang tại Cincinnati, Văn phòng pháp lý của FBI tại Bỉ và các nhân viên thực thi pháp luật Bỉ, bên cạnh đó là sự hợp tác của công ty GE Aviation.
Cáo trạng đối với Xu Yanjun
Theo bản cáo trạng, Xu đã tìm cách nắm bắt công nghệ được sử dụng trong việc phát triển cánh quạt và động cơ máy bay. Đối tượng đã sử dụng bí danh Qu Hui, Phó tổng thư ký Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Giang Tô, để sắp xếp các cuộc trao đổi vào tháng 1/2018, nhằm có được công nghệ sản xuất và thiết kế vật liệu, công nghệ phân tích thiết kế cấu trúc động cơ…trong lĩnh vực hàng không.
Cáo trạng cho biết thêm, Xu thường xuyên trao đổi thông tin với các cá nhân tại Trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, một trong những trường về kỹ thuật hàng đầu ở Trung Quốc, có ảnh hưởng đáng kể đối với ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết, GE Aviation đã hợp tác sớm với FBI về cuộc điều tra, được tiến hành hơn 1 năm qua.
“Không ai ganh tị đối với một quốc gia tạo ra những ý tưởng sáng tạo nhất và từ đó phát triển công nghệ tốt nhất. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua cho một đất nước đã đánh cắp hỏa lực và thành quả trí tuệ của chúng ta. Chúng ta sẽ không tha thứ cho một quốc gia gặt hái thành quả mà họ không gieo trồng”, ông John Demers nói.
Theo một số nguồn thạo tin, trường hợp của Xu có liên quan đến vụ bắt giữ Ji Chaoqun, 27 tuổi, công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Chicago, vào tháng 9. Ji Chaoqun bị cáo buộc chuyển thông tin cá nhân của 8 người Mỹ cho các quan chức tình báo Trung Quốc, có thể phục vụ cho mục đích tuyển dụng. Ji Chaoqun nhắm mục tiêu vào các cá nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. 7 người trong số này đã từng làm việc cho các công ty quốc phòng Mỹ hoặc mới nghỉ hưu. Theo bản cáo trạng, Ji bắt đầu liên lạc với các quan chức tình báo Trung Quốc vào cuối năm 2013. Đối tượng này đã đi lại tới Trung Quốc ba lần từ năm 2013 đến 2015./.
Vụ điệp viên Skripal: Anh cảnh báo Nga sẽ phải trả giá đắt