Mỹ chỉ trích “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ giúp IS trỗi dậy
VOV.VN - Lợi dụng lúc 2 đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng thậm chí xung đột trong diễn biến chiến sự tại Syria, khủng bố IS có thể đã tập hợp lại lực lượng.
Mỹ đầu tuần này lặp lại cảnh báo, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt đầu tập hợp lại lực lượng tại một số khu vực ở Syria, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Afrin ở miền Bắc Syria đã khiến lực lượng người Kurd không thể tham gia chiến dịch chống khủng bố cùng với Mỹ.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng lực lượng đồng minh tại Syria tiến vào tủng tâm Afrin. Ảnh: Reuters
IS trỗi dậy tại Syria
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Rob Manning cho biết, Mỹ vẫn đang theo sát diễn biến chiến dịch “Nhành Ôliu” do Thổ Nhĩ Kỳ phát động, nhằm quét sạch lực lượng phiến quân thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên hệ với Đảng công nhân người Kurd (PKK), vốn nằm trong danh sách khủng bố của cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
“Chúng tôi rất quan ngại về ảnh hưởng của chiến dịch “Nhành Ôliu” tới nỗ lực đánh bại nhóm khủng bố IS. Chúng tôi muốn các hành động quân sự chấm dứt trước khi IS có cơ hội củng cố lại lực lượng ở miền Đông Syria”, người phát ngôn Rob Manning nói.
Trong một cảnh báo ở cấp độ mạnh mẽ hơn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng IS đã bắt đầu tập hợp lại ở một số khu vực. Theo đó, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Chiến dịch quân sự ở phía Tây Syria và cả chiến dịch tại Afrin trong 2 tháng qua, đã làm chệch hướng nỗ lực đánh bại khủng bố IS và cho chúng cơ hội bắt đầu tập hợp lực lượng tại một số khu vực ở Syria”.
Giới chức Mỹ đã cảnh báo nhiều lần trong liên tiếp những tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “Nhành Ôliu” ngày 20/1 vừa qua. Chỉ vài ngày sau khi Ankara ồ ạt đưa quân và khí tài quân sự đánh lực lượng người Kurd tại Afrin, Washington thậm chí nhắc đến nguy cơ đụng độ giữa quân đội Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria.
Mỹ đang cung cấp vũ trang và tài chính cho các nhóm phiến quân mà nước này coi là “ôn hòa” như Quân đội Syria tự do (FSA) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Và rắc rối nảy sinh khi FSA đang cùng Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh với một phần của lực lượng SDF là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Afrin, miền Bắc Syria.
Căng thẳng đồng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang cùng với diễn biến chiến sự tại Afrin. Trong thông báo đáp trả cảnh báo hồi đầu tuần của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Chỉ trích nhằm vào chiến dịch chống khủng bố người Kurd tại Afrin đã cản đường cuộc chiến chống khủng bố IS là hoàn toàn vô căn cứ. Cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria thực sự bị phá hủy bởi việc sử dụng một lực lượng khủng bố khác tham chiến”.
Ảnh: Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại người Kurd, chiếm đóng toàn bộ Afrin (Syria)
Dân thường Syria lũ lượt sơ tán
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, với sự yểm trợ của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, các đơn vị của Quân đội Syria tự do (FSA) đã giành quyền kiểm soát khu vực trung tâm thành phố Afrin vào lúc 8h30 sáng 18/3 (theo giờ địa phương). Thiết giáp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào trung tâm Afrin để ăn mừng chiến thắng cùng lực lượng FSA.
Theo các nguồn tin, chiến sự đã gây thương vong lớn cho người dân thường Syria. Trong khi, một bệnh viện tại khu vực này đã bị dội bom.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: “Lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân đạo tại khu vực này leo thang cùng với diễn biến chiến sự. Các cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết, hàng trăm nghìn người tại Afrin đã bị mất nhà cửa và phải sơ tán. Những người dân này đang cần hỗ trợ khẩn cấp nơi ở và các nhu yếu phẩm cần thiết khác”.
“Chúng tôi cũng lo ngại trước những báo cáo về tình trạng cướp bóc tại Afrin. Chúng tôi muốn nhắc lại với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ mối quan ngại sâu sắc về tình hình tại Afrin”, bà Heather Nauert nói thêm.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt hơn 1.500 tay súng người Kurd trong khuôn khổ chiến dịch. Dù Thổ Nhĩ Kỳ một mực khẳng định, chiến dịch “Nhành Ôliu” không nhằm vào người dân thường Syria, song đã có 150.000 người tại Afrin đã phải sơ tán.
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng hứa sẽ nỗ lực khôi phục cơ sở hạ tầng Afrin và đưa người dân đi sơ tán trở về nhà./.
Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát Afrin: “Nhành Ô liu” vẫn chưa kết thúc?
Phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã cướp bóc ở Afrin, Syria