Mỹ chịu sức ép khi kiên trì với chiến lược không cử bộ binh đến Syria
VOV.VN - Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc Mỹ triển khai bộ binh để tác chiến chống lại nhóm IS “sẽ là một sai lầm” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/11, lãnh đạo các nước đã ra tuyên bố chung khẳng định, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là "ưu tiên hàng đầu”.
Thế nhưng Mỹ, nước dẫn đầu liên minh của phương Tây chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria, vẫn loại trừ khả năng cử bộ binh đến quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, liên minh do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sẽ đẩy mạnh nỗ lực theo đuổi chiến lược hiện nay thay vì chuyển sang một hướng đi khác, ngay cả khi nhóm cực đoan nay vừa đăng tải trên Internet một đoạn video đe dọa tấn công thủ đô Washington.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chiến lược hiện nay ở Syria chứ không chuyển sang hướng khác. (ảnh: atlantablackstar.com). |
“Sẽ có sự tăng cường trong chiến lược mà chúng tôi đang thúc đẩy. Chiến lược này cuối cùng nhất định sẽ có hiệu quả. Nhưng như tôi đã nói từ đầu, sẽ cần có thời gian cho việc đó”, ông Obama cho biết.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Jeb Bush kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Syria. Trong khi một ứng viên Tổng thống khác của đảng này là tỷ phú Donald Trump tuyên bố ủng hộ việc cử 10.000 binh sĩ tới khu vực này để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Dù bị nhiều nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích, chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng của Tổng thống Obama vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ. Theo kết quả thăm dò dư luận chung do Reuters/IPOS công bố ngày 17/11, có tới 76% người dân Mỹ phản đối việc chính quyền triển khai bộ binh tới Iraq hoặc Syria, dù đa số đều muốn Mỹ tăng cường nỗ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Thế nhưng biện pháp mà Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước đồng minh đưa ra như chia sẻ thông tin tình báo, thắt chặt kiểm soát biên giới và tăng cường hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống khủng bố thực chất không mới mẻ hay khác biệt so với phản ứng sau vụ tấn công ở New York ngày 11/9/2001, sự kiện đã khiến Tổng thống Mỹ lúc đó là ông George W. Bush khơi mào cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn thế giới.
Chưa tính đến những khía cạnh thất bại của Mỹ sau 14 năm can dự để “chống khủng bố” ở Iraq từ đó đến nay, chỉ riêng chiến lược của Mỹ nhằm hỗ trợ vũ trang và tiền bạc cho cái gọi là “phe đối lập ôn hòa” ở Syria trong 4 năm qua đã bộc lộ quá nhiều vấn đề.
Chương trình “hao tài tốn của” này đã bị hủy khi Mỹ nhận ra rằng những tay súng mà họ huấn luyện để lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad lại gia nhập các nhóm thánh chiến với số vũ khí do chính Mỹ cung cấp.
Không cử bộ binh đến Syria là một cam kết bảo toàn di sản của Tổng thống Obama. Thực tế, Mỹ vẫn có phương án khác là “mượn tay” Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để hành động, điều mà một số chính trị gia Mỹ đã đề cập những ngày gần đây.
Phát biểu trên truyền hình ngày 17/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, bà Dianne Feinstein, một thành viên thuộc chính đảng Dân chủ Mỹ của Tổng thống Obama đã không giấu giếm những quan ngại về chiến lược của Mỹ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hiện nay.
Bà bày tỏ hy vọng Pháp sẽ viện Điều 5 của Hiệp ước thành lập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một nước thành viên cũng là hành động tấn công vào tất cả những nước còn lại trong liên minh.
Cùng ngày, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham cũng lên tiếng đề xuất thành lập một liên quân Mỹ, Pháp và NATO để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. K
hi được hỏi về khả năng này bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết: “Có nhiều người cho rằng chúng ta cần phải có một chiến dịch của NATO ở Syria và cũng có người đề xuất điều ngược lại. Cũng có người muốn thành lập một hội đồng hòa bình. Điều duy nhất mà chúng tôi đề nghị là chúng ta phải lưu ý rằng đây là chủ đề rất quan trọng, buộc chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo và phải có sự phối hợp rất tốt giữa các nước đồng minh”.
Tuy nhiên, không phải thành viên nào của NATO cũng sẵn sàng dấn thân sâu hơn vào “chảo dầu” Syria. Với Canada, tân Thủ tướng Justin Trudeau đã tuyên bố không thay đổi kế hoạch rút 6 máy bay chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng như cam kết khi tranh cử.
Thay vào đó, ông cam kết Canada sẽ có những cách cống hiến khác hiệu quả hơn cho liên minh chống khủng bố này. Trong khi đó, một đồng minh của Mỹ ngoài NATO là Australia ngày 17/11 tuyên bố, nước này sẽ không hành động “đơn phương” cử bộ binh đến Syria hay Iraq để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng./.