Mận hậu Sơn La "lên" máy bay đi khắp thế giới

VOV.VN - Mận hậu Sơn La sẽ chính thức được đưa vào các suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không VietNam Airlines, mở ra cơ hội mới trong việc tiêu thụ quả mận hậu – một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc này.

Vào ngày 10/6 tới đây, những trái mận hậu đầu tiên của tỉnh Sơn La sẽ được đưa lên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines để phục vụ các suất ăn của du khách. Đây là sản phẩm quả thứ 2 của Sơn La được đưa lên các chuyến bay. Trước đó, vào tháng 8 năm 2022, sản phẩm nhãn quả đã được đưa vào suất ăn trên máy bay theo hợp đồng ký kết giữa tỉnh Sơn La với Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty CP Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam. Việc mận hậu được đưa lên máy bay tiếp tục mở ra cơ hội mới trong việc tiêu thụ quả mận hậu – một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương này, vì vậy, chính quyền các địa phương và người trồng mận rất phấn khởi khi sản phẩm trái cây của mình vươn xa.

 

Gia đình Nguyễn Văn Tuyền ở bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La rất vui mừng  khi biết những trái mận hậu các anh trồng ra tới đây sẽ được đưa lên các chuyến bay của hãng hàng không VietNam Airlines phục vụ du khách khắp nơi trên thế giới. Không vui sao được bởi từ đây, sản phẩm mận hậu của Yên Châu nói riêng và của toàn tỉnh Sơn La nói chung sẽ được biết đến nhiều hơn; hơn 700 gốc mận hậu, với sản lượng 45 tấn của gia đình anh từ đó cũng sẽ có cơ hội tiêu thụ tốt hơn.

"Gia đình chúng tôi cũng như các hộ trồng mận ai cũng rất vui, phấn khởi khi quả mận càng ngày càng đi xa hơn, sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân rất nhiều", anh Tuyền cho biết.

Gia đình chị Vì Thị Sướng ở bản Chờ Lồng, cùng xã Yên Sơn có 300 gốc mận cũng phấn khởi chia sẻ, trồng cây ăn quả cái lo nhất là ở khâu tiêu thụ. Thời gian qua, được các cấp chính quyền vào cuộc tìm hướng tiêu thụ giúp, chị và bà con rất vui. Nay quả mận Yên Châu, Sơn La còn được lên máy bay ra thế giới nữa, chắc chắn sẽ càng được nhiều người biết đến. Vì vậy, gia đình sẽ càng phải chăm bón cây mận hậu để làm ra những sản phẩm an toàn, chất lượng hơn nữa.

Xã Yên Sơn có gần 1.500 hộ, hơn 5.400 nhân khẩu, thu nhập chính của các hộ chủ yều đều từ trồng cây ăn quả, chủ lực là mận hậu.

Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã cho biết, năm nay mận được mùa, được giá. Việc mận hậu Sơn La được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay sẽ giúp bà con có thêm động lực để tiếp tục phát triển cây này, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

"Cá nhân tôi cũng như bà con nhân dân trong xã rất vui mừng. Mong muốn trong thời gian tới, các cấp các ngành từ huyện đến tỉnh và trung tiếp tục quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho bà con, để giúp bà con có nguồn thu nhập cao hơn nữa", ông Thiết nói.

Toàn huyện Yên Châu hiện có hơn 3.000 ha mận hậu, sản lượng bình quân đạt khoảng 30 nghìn tấn. Với giá dao động tại vườn từ 15 – 25.000 đồng/kg mận chính vụ; 50 – 100.000 đ/kg mận chín sớm, rất nhiều hộ trồng mận trên địa bàn đã có thu nhập bình quân từ 200 triệu – 300 triệu/ha. Mận hậu Yên Châu có vị chua ngọt đậm đà, giòn, róc hạt nên đã từng bước chinh phục người tiêu dùng. Trước đây, mận Yên Châu chủ yếu phục vụ thị trường nội địa; 4 năm trở lại đây, mận hậu Yên Châu nói riêng, toàn tỉnh Sơn La nói chung đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, để làm được điều này, ngoài tuyên truyền cho người dân trồng cây theo tiêu chuẩn VietGap, Yên Châu cũng đã thường xuyên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do tỉnh tổ chức. Qua đó, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, không lo rớt giá và thị trường bấp bênh.

"Việc sản phẩm mận được lên suất ăn của VietNam Airlines là cả một quá trình, đó là sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Đây cũng sẽ là đòn bẩy cho bà con tích cực sản xuất. Hiện nay trên địa bàn, chúng tôi đang hướng dẫn bà con hạ cành tạo tán để giảm sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là khoanh vùng trồng theo hướng hữu cơ để sản phẩm khi xuất khẩu, cũng như đưa thành các suất ăn trên máy bay và đưa vào các siêu thị lớn phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn", ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho biết, mận hậu Yên Châu cũng như mận hậu ở các huyện Mộc Châu, Sông Mã, TP Sơn La…thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7. Nhãn hiệu "Mận Sơn La" đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021.  

Tại tuần lễ mận, nông sản an toàn tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La và Tập đoàn Central Retail phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vào đầu tháng 6 này tại Hà Nội, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết thoả thuận tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Sơn La và một số tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó có Lễ ký kết đưa trái Mận hậu Sơn La trên các chuyến bay năm 2023./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên