Mỹ có sa chân cuộc chiến tranh mới sau vụ tấn công ở Saudi Arabia?
VOV.VN - Sau các vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu khí Saudi Arabia, ông Trump phải đối mặt với 1 trong những quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của mình.
Một lần nữa, vị Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa của nước Mỹ phải đứng trước những lựa chọn khó khăn: quyết tâm bảo vệ hình ảnh một vị Tổng thống “mạnh mẽ” như cách vẫn thể hiện qua các tuyên bố trên Twitter hay giữ lời hứa tranh cử sang trang “thời kỳ can thiệp quân sự” của Mỹ tại Trung Đông, mà theo ông là quá đắt đỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Business Insider |
Cách đây chỉ 3 tháng, nhà lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố hủy lệnh tấn công Iran chỉ 10 phút trước khi diễn ra. Theo ông, một hành động như thế là không đáng để đáp trả một vụ tấn công nhằm vào máy bay không người lái. Lần này, ông lại đăng dòng tuýt cảnh báo, Mỹ sẵn sàng đáp trả.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại phòng Bầu dục ngày 16/9, Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhắc tới khả năng này khi nhấn mạnh, ông không tìm cách để nước Mỹ bị lôi kéo vào các cuộc xung đột mới, song đôi khi điều này là cần thiết.
“Ngoại trưởng Mike Pompeo rất chắc chắn Iran đứng sau vụ tấn công và bạn thì không, tại sao anh ta biết nhiều hơn bạn? Tôi nghĩ mục tiêu của chúng ta là giống nhau, muốn biết chính xác thủ phạm là ai. Và nếu chắc chắn thì tại sao chúng ta không thể là hành động quân sự? Đó là những gì chúng ta sẽ quyết định”, ông Trump nói.
Vấn đề trách nhiệm của Iran trong vụ tấn công nhằm vào 2 cơ sở dầu khí quan trọng của Saudi Arabia hôm 14/9 dù tới nay vẫn còn là một dấu hỏi, song cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ngay lập tức chỉ đích danh Iran. Và rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này đã cho thấy sự thận trọng hơn so với quan chức ngoại giao hàng đầu của mình.
Tuy nhiên, những tín hiệu trái chiều mà ông phát đi những ngày qua liên quan tới hồ sơ Iran lại khiến người ta đặt câu hỏi đối với chiến lược của ông trong hồ sơ nhạy cảm này. Sự chần chừ của nhà lãnh đạo Mỹ đối với khả năng một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Iran Hassan Rohani vào tuần tới tại New York bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc là minh chứng rõ nhất.
Trong suốt tuần qua, ông đã làm gia tăng kỳ vọng về một cuộc gặp như thế khi ám chỉ khả năng nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt chống Iran. Ngày 15/08, ông lại phủ nhận những tuyên bố này khi cho rằng đây là những thông tin giả. Thế nhưng, những phát biểu mới đây từ những cộng sự gần gũi nhất với ông lại cho thấy điều ngược lại.
Rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Sau nhiều tháng căng thẳng giữa Mỹ và Iran, liệu cuộc chiến ngôn từ có leo thang thành một cuộc chiến tranh thực sự hay không? Và ngược lại, sau những phát biểu đe dọa như vẫn thường làm, liệu nhà lãnh đạo Mỹ có quyết định lựa chọn con đường ngoại giao, chỉ vài ngày sau quyết định sa thải cố vấn đặc biệt John Bolton, vốn nổi tiếng là một nhân vật “diều hâu” trong chính quyền hay không?
Theo ông Richard Haass, Chủ tịch Hội động quan hệ đối ngoại Mỹ, nước Mỹ không chỉ mơ hồ về khả năng một cuộc chiến tranh tại Trung Đông liên quan tới vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia, mà còn mơ hồ cả về chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Có thể nói, tình hình khá phức tạp đối với ông Donald Trump, vốn thường xuyên “chế nhạo” sự bất lực của của chính quyền tiền nhiệm khi không thể đưa ra quyết định, từ cuộc khủng hoảng Syria tới hồ sơ hạt nhân Iran. Ông Ben Rhodes, cựu cố vấn chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thậm chí còn cho rằng, chính sách của ông Donald Trump đã đẩy nước Mỹ tới bờ vực một cuộc chiến tranh rộng lớn, đồng thời cảnh báo một cuộc can thiệp quân sự như vậy có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước./.