Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phụ nữ muốn có tiếng nói quyết định thì cần phải có ít nhất 30% đại diện trong các cơ quan dân cử. Quốc hội Việt Nam hiện đứng thứ 64 về tỷ lệ nữ đại biểu theo Dữ liệu Toàn cầu tháng 3/2023 về nghị viện quốc gia của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội có 151 nữ đại biểu, tỷ lệ 30,26%, tăng so với các khóa trước; tỷ lệ trung bình của châu Á là 21% và của thế giới là 26,7%. Đây rõ ràng là một con số rất đáng trân trọng.

Cùng với sự phát triển của đất nước và Quốc hội, các nữ đại biểu tiếp tục đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết, tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng lên, cũng như vai trò của các chị ngày càng được phát huy đã góp phần tích cực vào các hoạt động của Quốc hội nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước nói chung.

Có thể thấy, trong các hoạt động của Quốc hội, nữ đại biểu đã luôn phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Quốc hội khóa này có 151 nữ đại biểu, chiếm tỷ lệ 30,26%, Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%). Tôi tin con số này phần nào khẳng định khả năng, vị thế và vai trò của phụ nữ trong sự phát triển của nước nhà và như Tổng Thư ký Liên minh Nghị viên Thế giới đã nói: ‘Khi phụ nữ tham gia vào việc xây dựng luật về các vấn đề cụ thể, kết quả sẽ tốt hơn về mặt chăm sóc sức khỏe, về cách thức mà các quốc hội đang hoạt động, khiến các quốc hội trở nên nhạy cảm hơn về giới’”, Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, phụ nữ tham gia vào cơ quan đại diện sẽ có điều kiện tham gia xây dựng chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến nữ giới nhằm bảo đảm cho những phụ nữ khác có đủ điều kiện được bảo vệ quyền lợi và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Điều này sẽ tạo đà cho việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của nữ giới, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược bình đẳng giới.

Các số liệu đầu nhiệm kỳ quốc hội khóa XV cho thấy, nhìn chung, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị mọi mặt của nữ đại biểu Quốc hội khóa này cao hơn nhiều khóa trước. Cụ thể: 

Tất cả nữ đại biểu Quốc hội đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 119 đại biểu có trình độ trên đại học, bằng 78,8% tổng số nữ đại biểu (như vậy đa số nữ đại biểu có trình độ trên đại học), trong số này có 98 Thạc sĩ, 21 Tiến sĩ, 1 Giáo sư - Tiến sĩ, 4 Phó Giáo sư - Tiến sĩ; có 54 đại biểu có chuyên môn pháp luật, bằng 35,76% tổng số nữ đại biểu Quốc hội: 31 đại biểu có 2 - 3 chuyên môn nghiệp vụ; có 55 đại biểu tái cử, bằng 36,42% tổng số đại biểu nữ (trong đó có 14 đại biểu tham gia từ 3 khóa đến 6 khóa). Có 18 nữ đại biểu tham gia lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (chiếm 40% tổng số lãnh đạo các cơ quan này). Có 27 nữ đại biểu trẻ (40 tuổi trở xuống, trẻ nhất là đại biểu sinh năm 1997).

Với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn có được từ hoạt động thực tiễn trước đó đã tạo ra sự “đủ lượng, đủ chất” khiến chị em được cử tri bầu làm người đại biểu của dân.

Các đại biểu nữ đã thể hiện rõ tư duy đổi mới, cầu thị, luôn nỗ lực để kỳ họp sau phải có đóng góp nhiều hơn, tốt hơn kỳ họp trước. Các nữ đại biểu từng bước tỏ rõ tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân, tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát tại các ngành, địa phương, chuyển tải ý kiến của cử tri đến Quốc hội và hăng hái hoạt động ở nghị trường. Trong đó số nữ đại biểu tái cử, tham gia nhiều khóa có vai trò “nòng cốt”. Các đại biểu nữ là lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn giữ tinh thần làm việc “hết mình”, “phải hết việc, chứ không phải hết giờ”. Nhiều người thể hiện nét độc đáo riêng, sắc sảo trong công việc, phát biểu rõ nội hàm, mạch lạc, phương pháp truyền đạt có sức lan tỏa.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đánh giá: “Các nữ đại biểu đã rất tích cực nghiên cứu, phát biểu tại nghị trường, nhìn chung, tỷ lệ lượt phát biểu của nữ đại biểu so với tổng số lượt phát biểu cao hơn tỷ lệ nữ trong Quốc hội, các ý kiến sắc sảo, thuyết phục, được tiếp thu”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá XV đã đánh giá trong suốt chặng đường 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, các thế hệ nữ đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình, đóng góp vào tiến trình xây dựng đất nước và những bước tiến, đổi mới, thành công trong hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự tin tưởng nữ đại biểu Quốc hội khoá XV và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp hơn ba phần tư thế kỷ của Quốc hội Việt Nam và ba nhiệm kỳ rất thành công của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, không ngừng rèn luyện kỹ năng, kiến thức để đóng góp chung vào những nỗ lực không ngừng đổi mới hoạt động của Quốc hội, làm tròn trách nhiệm người đại biểu của dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đánh giá đóng góp của các nữ đại biểu ở diễn đàn quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, điểm nhấn xuyên suốt trong các thế hệ nữ ĐBQH là những phẩm chất của giới nữ từ khóa I đến nay. Đó là sự kiên trì, nhẫn nại, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi chuấn bị tài liệu để có tiếng nói trên diễn đàn. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng nữ đại biểu đăng ký phát biểu.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, trong thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nữ đại biểu không chỉ phát huy những phẩm chất của giới mà còn trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác. Họ năng động, chủ động sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian nghiên cứu, tìm tòi cũng như trong quá trình tiếp xúc cử tri hay nắm bắt các vấn đề mà cử tri quan tâm.

“Nhạy cảm giới là nét riêng và cũng là lợi thế của các nữ đại biểu quốc hội. Đặc biệt là đối với các đại biểu nữ đã và đang là cán bộ Hội phụ nữ, hoặc các chị em công tác trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội. Họ không chỉ có nhạy cảm giới, mà còn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức về giới, kỹ năng lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và xây dựng luật pháp. Có lẽ vì vậy, mà trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, các đại biểu nữ quan tâm nhiều tới các vấn đề giới, tham gia nhiều ý kiến phản biện sâu sắc trong xây dựng luật pháp, chính sách; góp tiếng nói quan trọng vào việc tăng nhạy cảm giới trên nghị trường, góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.

Cần phải hiểu rằng nhạy cảm giới không chỉ là bàn về những vấn đề của phụ nữ mà còn là những vấn đề mà phụ nữ quan tâm. Đó là những kiến nghị về các vấn đề xã hội, những tác động của chính sách đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và các đối tượng yếu thế trong xã hội”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Chia sẻ quan điểm của đại biểu Mai Hoa, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá: “Hoạt động của các nữ đại biểu dân cử đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giám sát những vấn đề quốc kế dân sinh và có tác động tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới”.

Trong quá trình xây dựng luật hoặc bàn về các chương trình mục tiêu quốc gia, các nữ đại biểu đặc biệt chú ý đến những khía cạnh tác động tới phụ nữ, trẻ em, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm: “Mối quan tâm của các nữ đại biểu ngày càng mở rộng. Họ không chỉ đóng góp tiếng nói trong những vấn đề nhạy cảm giới mà còn trong các lĩnh vực như an ninh - quốc phòng, kinh tế, công nghệ thông tin. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng và nội dung đăng ký phát biểu của các nữ đại biểu”.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các đại biểu nữ cũng gặp không ít rào cản mà nếu không có đủ bản lĩnh, họ cũng không dễ gì vượt qua.

“Phải thấy rằng, hoạt động trong các cơ quan dân cử cũng là hoạt động khó nhất đối với phụ nữ, vì ở đó, các quyết sách được ban hành theo đa số. Do đó, nếu phụ nữ chỉ chiếm một phần nhỏ, ý kiến của họ chỉ là thiểu số thì ảnh hưởng của họ dường như có phần hạn chế trong trường hợp cơ quan này tiến hành biểu quyết về những vấn đề liên quan đến giới tính mà có sự xung đột về lợi ích giới”, đại biểu Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Thêm vào đó là áp lực vai trò giới khi những người phụ nữ vốn đã phải vừa phải đảm đương cả việc cơ quan, việc gia đình thì giờ đây lại thêm vai trò của đại biểu. Như vậy, việc phân bổ thời gian sao cho hợp lý sẽ là thách thức. Cùng với đó những người phụ nữ phải vượt lên chính mình bởi vẫn có những ý kiến băn khoăn về phụ nữ, như thiếu tự tin hay các mối quan hệ bị hạn chế. Với những khó khăn như vậy, phụ nữ có vượt qua được chính mình để vào vị trí là đại biểu Quốc hội hay không rõ ràng là thách thức lớn đối với họ

“Nói về sự cân bằng giữa công việc và gia đình, theo tôi, đây là câu chuyện của phụ nữ hiện đại nói chung, nghề nào, người nào, ở đâu cũng vậy. Đó là một thách thức của phụ nữ và là một điều khó khăn. Các nữ đại biểu quốc hội cũng không ngoại lệ nhưng khó khăn của họ có lẽ lớn hơn trước những áp lực vô cùng lớn. Ngoài ra, có những kỳ họp quốc hội kéo dài, các nữ đại biểu quốc hội buộc phải rời xa gia đình con cái trong nhiều tuần liền. Điều này rõ ràng không hề dễ dàng với họ”, bà Mai Hoa chia sẻ.

Bà Nguyễn Thúy Anh chia sẻ quan điểm: “Ở các nước phương Đông, việc gánh vác công việc gia đình chủ yếu là phụ nữ. Đối với những đại biểu quốc hội kiêm nhiệm, họ còn công việc cơ quan. Như vậy, một mình người phụ nữ sẽ phải gánh 3 vai: công việc gia đình, công việc cơ quan và công việc quốc hội mà công việc của đại biểu quốc hội thì phải dành ít nhất 1/3 thời gian.

Để hoàn thành tốt công việc của một đại biểu quốc hội sự cố gắng của nữ phải hơn nam giới rất nhiều, nhất là trong xã hội chúng ta, dù tiến bộ, nhưng vẫn còn tư tưởng trọng nam, định kiến giới”./.

Tác giả: Hùng Cường, Lê Cát, Cát Anh/VOV.VN

Thứ Tư, 08:45, 26/04/2023