Mỹ công bố sáng kiến kinh tế mới, tái khẳng định vai trò lãnh đạo ở châu Á
VOV.VN - Trong chuyến thăm châu Á lần này, ông Biden đã ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/5 thông báo, hàng chục quốc gia Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương sẽ cùng Mỹ tham gia một sáng kiến kinh tế sâu rộng nhằm phát triển nền kinh tế khu vực, dù vẫn còn nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của sáng kiến này.
Trong chuyến thăm châu Á lần này, ông Biden đã ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), một thỏa thuận thương mại mà chính phủ Mỹ thiết kế để đóng góp vào lĩnh vực kinh tế và giải quyết nhu cầu ổn định thương mại sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra và tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Nhà Trắng cho biết, các nước tham gia vào IPEF chiếm khoảng 40% tổng GDP trên toàn cầu. Danh sách bao gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zeland và 7 nước Đông Nam Á.
Tuyên bố chung của các nước tham gia cho biết: “IPEF nhằm nâng cao khả năng phục hồi, bền vững, bao trùm, tăng trưởng kinh tế, công bằng và đảm bảo khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế của chúng ta. Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự hợp tác, ổn định, thịnh vượng, phát triển và hòa bình trong khu vực”.
Tuyên bố nhấn mạnh, IPEF sẽ giúp các nước hợp tác với nhau để “chuẩn bị phát triển nền kinh tế trong tương lai” sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida, Tổng thống Biden cho biết, khuôn khổ kinh tế mới sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ với các quốc gia khác trong khu vực. Phát biểu với báo chí tại Tokyo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Tôi tin tưởng thỏa thuận sẽ có lợi cho các doanh nghiệp Mỹ khi họ bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”.
IPEF là nỗ lực quan trọng nhất của Mỹ nhằm tăng cường kết nối với châu Á về các vấn đề kinh tế sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.
Thỏa thuận sẽ tập trung vào bốn trụ cột chính: tạo thuận lợi thương mại, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thiết lập cơ sở hạ tầng và quá trình giảm phát thải cacbon, cải thiện hệ thống thuế và chống tham nhũng. Thông qua khuôn khổ này, Washington đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực./.