Mỹ đưa ra tối hậu thư cho Afghanistan
VOV.VN - Hiện tại, Mỹ đang lo ngại những nỗ lực hòa bình có thể bị đình trệ do bất đồng chính trị tại Afghanistan.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (23/3) cho biết, Mỹ đã cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan và sẵn sàng cắt khoản tương tự trong năm 2021 nếu Afghanistan không giải quyết được bất đồng về chính trị. Tối hậu thư của Mỹ đưa ra nhằm gia tăng sức ép buộc các lực lượng chính trị tại Afghanistan giải quyết các bất đồng, đang có nguy cơ làm “chệch hướng” tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn đầu tại quốc gia Nam Á này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan. Ảnh: Axios. |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đưa ra sau chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan và có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và đối thủ chính trị của ông là Abdullah Abdullah, nhân vật về thứ 2 trong cuộc bầu cử và cũng tự xưng là Tổng thống.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Pompeo cho thấy lo ngại sâu sắc của chính quyền Mỹ về những nỗ lực hòa bình có thể bị đình trệ do bất đồng chính trị tại Afghanistan. Tuy nhiên sau một ngày hòa giải, các cuộc đối thoại đã không đạt được kết quả khi các bên tại Afghanistan không thể hướng đến một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Cherith Norman Chalet trước đó cũng cảnh báo, giải quyết bất đồng chính trị là điều kiện quan trọng cho hòa bình của Afghanistan:“Chúng tôi đang mong chờ các bước tiếp theo cho tiến trình hòa bình mặc dù có những vấn đề có thể ảnh hưởng đến con đường đó, đặc biệt là bất đồng chính trị tại Afghanistan và các vụ tấn công bạo lực do Taliban thực hiện đã không giúp các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan diễn ra đúng dự kiến. Ưu tiên hiện nay là một chính phủ Afghanistan đoàn kết và thống nhất- đấy là điều quan trọng cho tương lai cũng như hòa bình của Afghanistan”.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Afghanistan được thực hiện gần 1 tháng sau khi ông đến Doha, Qatar để ký thỏa thuận với Taliban, mở ra một chương mới hòa bình cho quốc gia Nam Á này. Với các bước tiến của thỏa thuận được thực hiện gần đây như Mỹ và NATO bắt đầu rút quân, trao đổi tù nhân, Taliban giảm các vụ tấn công.. bất đồng chính trị có thể đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, khiến những nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Mỹ thời gian qua với Taliban “đổ sông đổ bể”.
Cảnh báo cứng rắn này cũng cho thấy sự thất vọng của Mỹ đối với chính phủ Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, sự bất đồng giữa ông Ghani và ông Abdullah đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước, làm mất danh tiếng của người dân Afghanistan, người dân Mỹ và cả những đối tác trong liên minh đã nỗ lực xây dựng tương lai mới cho đất nước Afghanistan. Phát biểu trước khi đến Qatar, ông Pompeo từ chối trả lời có đưa ra thời hạn cho các đối thủ chính trị tại Afghanistan giải quyết bất đồng hay không, nhưng khẳng định sẽ không cắt giảm viện trợ nếu các bên tại Afghanistan đạt được thỏa thuận.
Mỹ hàng năm trả hàng tỷ USD cho ngân sách của Afghanistan, trong đó có khoản hỗ trợ cho lực lượng an ninh nước này. Với những khó khăn kinh tế bủa vây hiện nay, giới quan sát nhận định, cảnh báo cắt giảm viện trợ của Mỹ sẽ là đòn bẩy tài chính đáng kể để buộc các bên tại Afghanistan phải cố gắng thỏa hiệp vượt qua bế tắc.
Chính trường Afghanistan hiện nay “gợi nhớ” lại những diễn biến sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014 với chiến thắng giành cho ông Ghani và vấp phải sự phản đối của ông Abdullah. Căng thẳng gia tăng đã buộc Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông John Kerry phải đứng ra làm hòa giải, hướng đến một chính phủ đoàn kết.
Theo đó, ông Ghani làm Tổng thống và lần đầu lập ra một chức danh đặc biệt là “nhà điều hành cấp cao” của chính phủ dành cho ông Abdullah. Mối quan hệ trắc trở giữa hai nhà lãnh đạo này và sự phân cực trong quốc hội Afghanistan gần 6 năm qua sẽ là câu hỏi để ngỏ về tương lai của quốc gia Nam Á này nếu kịch bản chính trị này một lần nữa được lặp lại./.
Bất chấp Covid-19, Ngoại trưởng Mỹ thăm gấp Afghanistan vì Taliban
Mỹ bắt đầu rút quân nhưng Afghanistan vẫn chưa thể yên bình
Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan