Mỹ đứng trước lựa chọn đoạn tuyệt với nhà tù tai tiếng Guantanamo
VOV.VN - Kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo được Tổng thống Mỹ Barack Obama trình lên Quốc hội đêm 23/2 đã vấp phải sự phản đối gay gắt.
Kế hoạch này được ví như lời khẩn cầu cuối cùng của Tổng thống Obama đối với Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát trước khi kết thúc nhiệm kỳ cuối của ông.
Hình ảnh nhà tù Guantanamo. Ảnh Reuters |
Kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo vốn là một trong những cam kết đầu tiên của Tổng thống Obama khi lên nắm quyền năm 2009 nhưng suốt 7 năm qua, cơ sở giam giữ này vẫn “bất di bất dịch” dù số lượng tù nhân đã giảm từ 242 xuống còn 91. Từ nay đến hết mùa Hè này, số tù nhân sẽ giảm xuống dưới 60 người vì khoảng 35 tù nhân được chuyển đến những nước thứ ba để giam giữ.
Lý do khiến kế hoạch này bị phản đối là vì những lo sợ khi một số phần tử được coi là “cực kỳ nguy hiểm” từ Guantanamo được đưa về giam giữ trên đất Mỹ. Kế hoạch do Bộ Quốc phòng soạn thảo đã đề xuất 13 địa điểm trên đất liền Mỹ có thể tiếp nhận khoảng 30-60 tù nhân từ Guantanamo, trong đó có thể có 3 bang là Kansas, South Carolina, Colorado.
Trong một tuyên bố chung ngay sau khi Tổng thống Obama trình kế hoạch trên, Thượng Nghị sỹ bang Pat Roberts, Thượng nghị sỹ bang South Carolina Tim Scott và Thượng Nghị sỹ bang Colorado Cory Gardner tuyên bố phản đối bất cứ kế hoạch nào đề cập việc chuyển tù nhân vào đất liền.
Trong khi đó, 2 ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa là Marco Rubio và Ted Cruz cho rằng không những không được đóng cửa nhà tù Guantanamo mà còn không được thả tù nhân ở đây và phải mở rộng cơ sở giam giữ này.
Thực tế là ông Obama đã ký một sắc lệnh hành chính về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo ngay từ những tháng đầu tiên nhậm chức Tổng thống. Nhưng năm 2011, với sự đồng thuận hiếm hoi của 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn kế hoạch đó.
Hiện giờ, ông Obama vẫn luôn còn phương án ký sắc lệnh hành chính nhưng nay Quốc hội Mỹ đã mất kiên nhẫn với việc Tổng thống hết lần này đến lần khác sử dụng sắc lệnh hành chính để đạt được mục tiêu chính trị của ông mỗi khi có tranh cãi với các nhà lập pháp về những vấn đề nhạy cảm như nhập cư, kiểm soát súng…
Có lẽ vì thế, giới phân tích cho rằng, dù vì hết sự lựa chọn hay do thiếu cơ sở pháp lý, Tổng thống Obama cũng sẽ chọn cách hợp tác và thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo.
Trong buổi họp báo công bố việc trình kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo lên Quốc hội, ông Obama đã kêu gọi các nghị sỹ đối thoại một cách cởi mở, chân thành và thiện chí về đề xuất này.
“Tôi rất rõ về những khó khăn của kế hoạch đóng của nhà tù Guantanamo. Nếu điều này là dễ dàng thì nó đã xảy ra nhiều năm trước nhưng đến nay tôi vẫn đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Tôi nghĩ rất nhiều người dân Mỹ lo sợ khủng bố nên trong tâm trí họ, việc giam giữ những kẻ khủng bố này trên đất Mỹ là điều đáng sợ.
Nhưng một phần thông điệp của tôi đến người dân Mỹ là chúng ta đáng giam giữ khá nhiều tên khủng bố nguy hiểm trên đất Mỹ và chưa có vụ việc nào xảy ra. Chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình”, ông Obama nói.
Một thăm dò dư luận của Pew Poll công bố tháng 7 năm ngoái cho thấy, có đến gần nửa dân số Mỹ (49%) phản đối việc đóng cửa nhà tù Guantanamo trong khi chỉ có 42% ủng hộ và 9% vẫn chưa đưa ra quyết định nào.
Các nhà hoạt động nhân quyền thì hoan nghênh kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo vì cơ sở giam giữ này lâu nay vướng phải những cáo buộc về tra tấn dã man, họ cho rằng việc đóng cửa nhà tù này sẽ mở ra cánh cửa công lý cho những tù nhân.
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Human Rights First cho thấy, số lượng những tuyên bố của al- Qaeda đề cập đến nhà tù Guantanamo tăng gần gấp đôi trong năm vừa qua, trong khi IS không chỉ đưa nhà tù này vào các văn bản tiếng Anh mà còn mô phỏng lại những hình ảnh tù nhân ở Guantanamo trong các vụ hành quyết con tin phương Tây.
Trong một bài viết trên tờ USA Today, Tổng chỉ huy đầu tiên của nhà tù Guantanamo, Thiếu tướng Michael R. Lehnert và Chỉ huy quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, Tướng Charles C. Krulak đã chỉ ra rằng, điều nguy hiểm nhất là các nhóm khủng bố thường sử dụng tai tiếng của nhà tù Guantanamo trong luận điệu tuyên truyền của chúng. Vì thế, đóng cửa nhà tù này cũng có nghĩa là chấm dứt được luận điệu tuyên truyền đó của các nhóm khủng bố./.