Mỹ gây sức ép với Iran, thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ đổ vỡ
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (8/5) đã ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran.
Sắc lệnh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Iran tuyên bố sẽ từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đúng một năm sau khi Mỹ cũng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: BBC. |
Nhà Trắng cho biết, sắc lệnh nhằm vào lĩnh vực mỏ và kim loại, hai nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Nhà Trắng cảnh báo Iran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình.
Trong phát biểu sau khi ban hành sắc lệnh, Tổng thống Trump nhấn mạnh, đây còn là lời cảnh báo gửi tới các nước khác rằng, việc cho phép nhập khẩu kim loại của Iran sẽ không được dung thứ. Mặc dù có bước đi cứng rắn nói trên, song Tổng thống Trump vẫn bày tỏ hy vọng sẽ gặp các nhà lãnh đạo Iran vào “một ngày nào đó” để tìm kiếm thỏa thuận.
Về phía Iran, trước áp lực của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 8/5 tuyên bố, Iran sẽ đình chỉ một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) ký năm 2015 với lý do Mỹ liên tục vi phạm thỏa thuận và các bên ký kết ở châu Âu cũng không thể bồi thường thiệt hại do Mỹ gây ra.
Tổng thống Iran cũng thông báo trong vòng 60 ngày tới, Iran sẽ giảm dần các cam kết của nước này trong thỏa thuận, bắt đầu bằng việc loại bỏ nước nặng và urani được làm giàu quá mức. Theo tuyên bố của phía Iran, trong thời gian này, nếu các bên đạt được thỏa thuận, việc đình chỉ sẽ được đảo ngược còn trong trường hợp ngược lại, Iran sẽ không còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ không làm giàu urani dưới một mức độ nhất định và có thể khôi phục lò phản ứng hạt nhân nước nặng hiện đóng cửa ở Arak.
“Ý định của chúng tôi rất rõ ràng. Kế hoạch hành động chung toàn diện vẫn đang tồn tại. Nếu các bên khác không đáp ứng các nghĩa vụ của họ, thì chúng tôi cũng có thể giảm nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận. Hôm nay, chúng tôi tuyên bố giảm nghĩa vụ trong Kế hoạch hành động chung toàn diện nhưng chúng tôi sẽ không rời khỏi thỏa thuận này”, ông Hassan Rouhani nhấn mạnh.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Iran Rouhani, người đứng đầu Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vẫn bày tỏ hy vọng có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này. Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, ông Farhan Hag dẫn lời Tổng thư ký Guterres khẳng định, ông luôn coi “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” là một thành công lớn trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngưng phổ biến hạt nhân và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới. Vì thế, ông Guterres rất hy vọng sẽ cứu vãn được thỏa thuận này. Cùng ngày, nhiều nước đã lập tức bày tỏ quan ngại trước động thái của cả Mỹ và Iran đồng thời kêu gọi các bên duy trì thỏa thuận đã ký.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo đã đạt được nhất trí với người đồng cấp Iran Javad Zarif đang ở thăm Moscow về việc hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với các bên còn lại trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện, trừ Mỹ, thực hiện các cam kết trong thỏa thuận này.
“Những quyết định của Mỹ đã gây ra khó khăn cho những bên tham gia thỏa thuận hạt nhân thực hiện nghĩa vụ của mình. Chúng tôi hy vọng các bên cùng tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề do Mỹ gây ra để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình”, ông Lavrov nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng nói rằng, châu Âu cần “làm mọi thứ” để duy trì đối thoại với Iran, đồng thời kêu gọi hợp tác với Iran để thực thi các điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện. Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế, đẩy mạnh đối thoại và tránh làm leo thang căng thẳng, duy trì thỏa thuận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương do Mỹ thực hiện. Chúng tôi lấy làm tiếc khi các hành động động của Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng đối với việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran. Tất cả các bên cần có trách nhiệm chung để duy trì và thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tăng cường đối thoại và tránh gây căng thẳng”.
Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận và Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt với Iran. Sau động thái này của Mỹ, các nước còn lại tham gia thỏa thuận đã nỗ lực trong việc tìm cách giảm bớt tác động kinh tế do động thái của Mỹ đồng thời thúc giục Iran tuân thủ thỏa thuận./.