Mỹ giảm thâm hụt thương mại

Bộ Thương mại Mỹ ngày 10/11 ra báo cáo cho biết, thâm hụt thương mại của nước này đã giảm xuống còn 44 tỷ USD trong tháng 9/2010 nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.

>> Triển vọng kinh tế thế giới gắn liền với Mỹ

Theo dữ liệu thống kê, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 9 năm nay đã giảm đáng kể so với 46,5 tỷ USD của tháng 8, nhưng vẫn cao hơn dự đoán của các nhà phân tích.

Giới chuyên gia kinh tế trông chờ một kết quả khả quan hơn thế, bởi họ tin tưởng nền kinh tế số một thế giới sẽ được hưởng lợi nhờ tỷ giá đồng USD so với các ngoại tệ mạnh khác giảm, giúp hàng hóa xuất khẩu của Mỹ tăng tính cạnh tranh hơn trên thị trường.

Thâm hụt thương mại tháng 9 của Mỹ giảm xuống còn 44 tỷ USD

Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại như vậy vẫn cao, ngay cả theo các tiêu chuẩn của người Mỹ. Đây là mức thâm hụt lớn thứ ba kể từ tháng 1/2009. Xu hướng mất cân bằng cán cân thương mại của Mỹ ngày càng trầm trọng kể từ hơn một năm qua dường như vẫn chưa được giải quyết.

Trong tháng 9/2010, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, lên hơn 154 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Trong khi đó, nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh hơn (khoảng 1%), đạt mức 198 tỷ USD.

Kể từ tháng 9 vừa qua, Chính phủ Mỹ bị cáo buộc tìm cách làm suy yếu đồng USD một cách "có chủ ý" nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Mỹ trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner khẳng định rằng Mỹ muốn một đồng USD mạnh. Trong báo cáo tháng 10/2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng USD đã được định giá hơi quá cao so với đồng euro của châu Âu, đồng yên Nhật và bảng Anh.

Liên quan đến kinh tế Mỹ, cùng ngày, Ủy ban Trách nhiệm Tài chính và Cải cách Ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ đã kêu gọi cắt giảm mạnh chi tiêu và cải cách thuế nhằm kiềm chế khoản thâm hụt ngân sách phình to của Mỹ. Cụ thể, Ủy ban này -được thành lập để cố vấn cho Tổng thống Barack Obama trong vấn đề giảm thâm hụt ngân sách- kiến nghị cắt giảm 200 tỷ USD chi tiêu công từ nay đến năm 2015.

Các thành viên của Ủy ban trên, gồm các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã đưa ra 5 kiến nghị, trên cơ sở "nước Mỹ không thể hùng mạnh nếu quốc gia sạt nghiệp", trong đó nội dung chính là cần đưa ra những quy định về mức trần đối với những khoản chi mà Chính phủ có quyền quyết định và tiết kiệm 200 tỷ USD các khoản chi tiêu nội địa và quốc phòng vào năm 2015. Kế hoạch này (nếu được thực thi) có thể giúp thâm hụt ngân sách liên bang giảm xuống mức tương đương 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2015, so với 3% theo đề nghị của Nhà Trắng, và 8,9% của tài khóa 2010 (kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên