Mỹ-Iran tiếp tục căng thẳng trong tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump
VOV.VN - Theo các nhà phân tích, quan hệ Mỹ và Iran sẽ khó có thể được cải thiện chừng nào hai bên chưa tạo dựng được lòng tin lẫn nhau, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngày 3/12, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan đến Iran trong khi phía Iran tuyên bố không chấp nhận đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Vụ việc khiến quan hệ giữa Iran và Mỹ đột ngột căng thẳng trong những ngày cuối cùng mà Tổng thống Donald Trump còn tại nhiệm, nhất là sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này bị sát hại vào tuần trước.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào công ty Shahid Meisami, có trụ sở tại Tehran và giám đốc của công ty này là ông Mehran Babri với cáo buộc có liên hệ với Tổ chức Nghiên cứu và Sáng tạo Quốc phòng Iran (IODIR). Theo lệnh trừng phạt, các tài sản của công ty Shahid Meisami và ông Babri sẽ bị đóng băng, các công dân Mỹ bị cấm giao dịch với thực thể và cá nhân này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết: “Việc trừng phạt Iran là cam kết của chúng tôi trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố của Iran trên toàn cầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục trừng phạt đối với Iran cho đến khi nào Iran ngừng các hoạt động khủng bố và cam kết rằng sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân”.
Phản ứng với các động thái của phía Mỹ, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố, Iran sẽ không chấp nhận bất cứ giới hạn nào đối với chương trình hạt nhân của nước này, cũng như đối với hoạt động hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, trừ khi các quốc gia phương Tây ngừng “hành vi ác ý” tại Trung Đông. Ngoài ra, Ngoại trưởng Zarif cũng phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
Cùng ngày, Hội đồng giám hộ Iran (GC) - tương đương Tòa án Hiến pháp) cũng yêu cầu cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran tiếp tục làm giàu urani lên mức 20%, đưa chương trình của Iran trở lại mức tối đa trước Thỏa thuận “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” (JCPOA) ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 và Iran.
Hội đồng giám hộ Iran cũng yêu cầu trục xuất các thanh sát viên hạt nhân quốc tế nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ đầu tháng 2/2021. Ngoài Hội đồng giám hộ Iran, Quốc hội Iran với đa số thành viên có quan điểm cứng rắn cũng yêu cầu có bước đi tương tự.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh mới đây, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát mà Tehran cáo buộc Israel, đồng minh thân cận của Mỹ, đứng sau vụ việc này. Việc sát hại nhà khoa học hạt nhân được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ Iran - Mỹ trước lễ nhậm chức của ông Biden, kích động Iran hủy bỏ Kế hoạch Hành động chung toàn diện, dẫn đến kích hoạt chiến tranh.
Theo các nhà phân tích, quan hệ Mỹ và Iran sẽ khó có thể được cải thiện chừng nào hai bên chưa tạo dựng được lòng tin lẫn nhau, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Những động thái phản công cứng rắn của Iran được cho là nhằm thúc ép Tổng thống đắc cử Mỹ Biden tái ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện với Iran ngay sau khi nhậm chức.
Thế giới chờ đợi những chính sách mới của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Biden nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Tuần trước, ông Biden để ngỏ khả năng quay trở lại thỏa thuận “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” nhen nhóm cơ hội chương trình hạt nhân của Iran có thể quay lại đúng quỹ đạo./.