Mỹ khó tránh được vách đá tài chính
(VOV) - Thời hạn của chương trình tự động tăng thuế đang đến gần, song cả đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ nhau.
Mặc dù đã sắp tới thời hạn ngày 31/12, khi chương trình tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của nước Mỹ chính thức có hiệu lực, song cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn chưa chịu nhượng bộ nhau trong các đề xuất về một giải pháp nhằm tránh cho nước Mỹ va vào “vách đá tài chính”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Nhà Trắng ngày 4/12 tiếp tục gây áp lực đối với các nghị sĩ đảng Cộng hòa về đề xuất tăng thuế đối với những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 4/12 với hãng tin Bloomberg của Mỹ, cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Obama khẳng định ông sẽ không nhượng bộ trong vấn đề tăng thuế 2% đối với những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm ở Mỹ và nhấn mạnh, thỏa thuận xung quanh vấn đề vách đá tài chính sẽ không thể đạt được nếu như phe Cộng hòa không tìm được tiếng nói chung với Nhà Trắng và phe Dân chủ trong vấn đề này.
Ông Obama cho rằng, chính phủ Mỹ không thể tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu trong khi lại không yêu cầu những khoản đóng góp nhiều hơn từ những người thu nhập cao. Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó cũng đã lên tiếng chỉ trích đảng Cộng hòa của nước này không hợp tác trong kế hoạch tài chính của Nhà Trắng và cảnh báo hậu quả của việc làm này: “Nếu Quốc hội không làm gì thì tất cả các gia đình ở Mỹ sẽ phải chứng kiến tình trạng tăng thuế tự động kể từ ngày 1/1/2013. Tất cả người dân Mỹ đều sẽ bị tăng thuế kể từ thời điểm đó. Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa không muốn tăng thuế đối với người giàu, điều này không thể chấp nhận được”.
Cùng quan điểm này, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 4/12 cũng cho biết, việc tăng thuế đối với những người giàu nhất nước Mỹ cần phải được hoàn thành, đồng thời chỉ trích quan điểm của đảng Cộng hòa. Người phát ngôn khẳng định chừng nào các nghị sỹ Cộng hòa chưa đồng ý thuyết phục thiểu số 2% người giàu có nhất nước Mỹ chấp nhận tăng thuế thì mọi đề xuất của phe Cộng hòa đều không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, về phần mình, đảng Cộng hòa vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ trong vấn đề này thậm chí một số nghị sĩ bảo thủ thuộc đảng này còn kiên quyết rằng họ sẵn sàng để nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính nếu như Quốc hội bác bỏ kế hoạch cắt giảm chi tiêu của họ. Mặc dù vậy, nội bộ đảng Cộng hòa ngày 4/12 cũng đã bắt đầu có dấu hiệu mâu thuẫn xung quanh vấn đề này khi Thượng nghị sỹ Jim DeMint thuộc đảng Cộng hòa bang Carolina Nam phản đối kế hoạch tăng nguồn thu thuế và cắt giảm chi tiêu liên bang mà Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner đưa ra hôm 3/12 vừa qua. Ông DeMint cho rằng kế hoạch này là một thảm họa vì nó không chỉ làm mất công ăn việc làm mà còn cho phép chính quyền Washington chi tiền nhiều hơn.
Tình trạng tranh cãi bất phân thắng bại về các chính sách tài chính giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại Quốc hội đã làm cho người dân Mỹ thất vọng. Ngày 4/12, Thống đốc các bang đã tới Nhà Trắng để bày tỏ mối quan ngại về tình trạng bế tắc tài chính kéo dài có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại suy thoái. Bên cạnh đó, kết quả thăm dò chung của tờ Bưu điện Washington và trung tâm nghiên cứu Pew, công bố ngày 4/12 cho biết có tới 49% người Mỹ được hỏi cho rằng Nhà Trắng và phe Cộng hòa từ nay đến cuối năm khó đạt được một thỏa thuận về cắt giảm chi tiêu và cải cách bộ luật thuế. Tình huống này nếu xảy ra, có 53% cho rằng trách nhiệm này thuộc về đảng Cộng hòa và 27% đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Obama.
Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo nếu kịch bản “vách đá tài chính” xảy ra, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ bị sụt giảm 3,9% và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, hậu quả của “vách đá tài chính” sẽ không chỉ dừng lại ở nước Mỹ mà sẽ còn lan sang một loạt các quốc gia và khu vực đang phải đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn./.