Mỹ không còn quá lo ngại việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga
VOV.VN - Giới chức Mỹ cho rằng các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga có nguy cơ làm leo thang xung đột ở Ukraine. Nhưng lo ngại này dường như đã giảm bớt.
Trong năm đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần bày tỏ lo ngại nếu Kiev tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, Moscow sẽ trả đũa không chỉ Ukraine mà có thể cả NATO và phương Tây.
Tuy nhiên, những lo ngại đó dường như đã giảm bớt. Khi các cuộc phản công của Ukraine đang đến gần, một loạt cuộc tấn công táo bạo bên trong lãnh thổ Nga, từ bầy đàn UAV ở Moscow đến pháo kích vào các thị trấn ở vùng Belgorod giáp Ukraine, hay cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga bằng xe bọc thép do Mỹ sản xuất không hề vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Washington.
“Chúng tôi chẳng thể tới đó và điều tra vấn đề này”, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuần trước cho biết, khi được hỏi về việc liệu Ukraine hay các nhóm do Ukraine hậu thuẫn có đứng sau các cuộc tấn công ở Moscow hay không.
Hôm 29/5, các chiến binh đã pháo kích ít nhất 10 ngôi làng ở vùng Belgorod của Nga.
Giới chức cấp cao của Mỹ dường như không hề bối rối về các cuộc tấn công như vậy.
“Đây là những gì xảy ra trong một cuộc xung đột”, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết hôm 1/6.
Các quan chức Mỹ coi các cuộc tấn công xuyên biên giới là hoạt động sơ bộ cho cuộc phản công có thể đang diễn ra của Ukraine, một dấu hiệu cho thấy chiến dịch của Kiev sẽ có nhiều giai đoạn. Họ nói rằng các hoạt động này là phép thử quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Nga và là một cuộc phô diễn sức mạnh trước một cuộc tấn công quân sự lớn.
Quan điểm này khác xa so với sự dè chừng của chính quyền ông Biden vào năm 2022, khi đó Washington cố gắng đảm bảo rằng họ sẽ không cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, với lý do lo ngại xung đột leo thang.
“Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện cho Ukraine tấn công ra ngoài biên giới của họ. Chúng tôi sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào Nga”, Tổng thống Biden cho biết hồi tháng 5/2022 chỉ 2 tháng sau khi ông bác bỏ đề xuất của châu Âu về việc gửi MiG-29 tới Ukraine.
Một năm sau đó, Mỹ đã bật đèn xanh cho phép gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Những lo ngại của Mỹ đã thay đổi
Evelyn Farkas, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về Nga và Ukraine dưới thời chính quyền Barack Obama, và hiện là Giám đốc điều hành của Viện McCain cho biết, những lo ngại về sự leo thang vẫn còn, nhưng “chúng không đáng sợ bằng việc Nga thắng thế”.
Trên quan điểm chính thức, các quan chức chính quyền Biden vẫn tiếp tục nói rằng họ không muốn Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, cho dù vũ khí đó do quân đội Ukraine hay các nhóm bán quân sự sử dụng.
“Chúng tôi không khuyến khích, chúng tôi không cho phép và không ủng hộ các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Nỗ lực của chúng tôi là hỗ trợ họ tự vệ, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của họ” ông Kirby phát biểu tại Nhà Trắng hoom 29/5.
Các quan chức Mỹ cho rằng, các hoạt động xuyên biên giới của Ukraine không phải là loại hành động có khả năng kích động việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo các quan chức tình báo Mỹ, Nga sẽ chỉ sử dụng thiết bị hạt nhân chiến thuật nếu quyền lực của Tổng thống Putin bị đe dọa, quân đội Nga bắt đầu sụp đổ hoàn toàn ở Ukraine hoặc Nga phải đối mặt với việc mất bán đảo Crimea.
Nhưng vẫn có những lo ngại rằng một tính toán sai lầm hoặc sai lầm trong các hoạt động ủng hộ Ukraine có thể biến một cuộc tấn công mang tính biểu tượng bên trong nước Nga thành một điều gì đó gây tổn hại nhiều hơn, Điện Kremlin cảm thấy cần phải đáp trả mạnh mẽ hơn.
Các quan chức Mỹ hiện cho rằng khó có khả năng các cuộc tấn công của Ukraine ở Nga sẽ dẫn đến một cuộc tấn công của Nga vào một quốc gia hoặc cơ sở của NATO. Nga muốn đảm bảo xung đột không lan sang các quốc gia khác, điều này có thể khiến Mỹ can dự nhiều hơn hoặc thúc đẩy chính quyền Biden gửi cho Ukraine các vũ khí mà Washington vốn miễn cưỡng cung cấp vì sợ rằng Kiev sẽ sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tất nhiên, ông Biden cũng đã từng bước làm điều đó, từ việc cung cấp cho Ukraine xe tăng M1 Abrams cho đến việc bật đèn xanh cho phép đồng minh chuyển F-16 cho Kiev.
Các cuộc tấn công ở Nga chỉ mang tính biểu tượng
Một số quan chức cấp cao đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ, châu Âu và Ukraine cho biết các cuộc xâm nhập xuyên biên giới gần đây của các lực lượng thân Ukraine vào Nga và các cuộc tấn công bằng UAV xung quanh Moscow đánh dấu sự khởi đầu của cuộc phản công đã được lên kế hoạch từ lâu của Kiev.
Theo họ, các cuộc tấn công sơ bộ này là nhằm phá vỡ các kế hoạch chiến đấu của Moscow, kéo quân đội Nga ra khỏi các chiến trường chính.
Các cuộc tấn công của Ukraine đã leo thang trong những tuần gần đây sau các cuộc tập kích ở Crimea, các khu vực hiện do Nga kiểm soát cũng như các tuyến đường sắt, đường tiếp tế, kho nhiên liệu và kho đạn dược của Nga.
Ông Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA, một viện nghiên cứu ở Arlington của Mỹ cho biết các chiến dịch xuyên biên giới của Ukraine có 2 mục tiêu chính.
“Đầu tiên là đưa xung đột tới Nga và chứng tỏ rằng nước này không phải là bất khả xâm phạm. Thứ hai là khiến các lực lượng Nga nghiêm túc thực hiện vấn đề bảo vệ biên giới và khiến họ phải điều động lực lượng từ nơi khác đến”, ông Kofman nói.
Nhưng chính quyền Biden đang tìm cách cân bằng. Trong khi các quan chức chính quyền kêu gọi Ukraine không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, họ cũng nói rằng việc sử dụng thiết bị đó như thế nào là tùy thuộc vào Tổng thống Volodymyr Zelensky và các chỉ huy quân sự Ukraine.
“Chúng tôi không nói cho họ biết phải tấn công ở đâu hay nơi nào không được tấn công. Chúng tôi không chỉ cho họ biết cách tiến hành các hoạt động của chính họ. Chúng tôi cung cấp thiết bị, đào tạo và những lời khuyên”, ông Kirby nói với các phóng viên vào tuần trước.
Các nhà phân tích quân sự đã hạ thấp khả năng rằng các cuộc tấn công ngày càng rõ ràng và thường xuyên bên trong nước Nga có thể khiến Điện Kremlin phản ứng cứng rắn hơn.
Ông Frederick B. Hodges, trung tướng đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Âu cho hay, những lo ngại về sự leo thang hồi năm ngoái đã bị chính quyền “phóng đại quá mức”, đặc biệt là những lo ngại rằng Nga sẽ trả đũa phương Tây hoặc NATO.
Các quan chức Mỹ nói rằng hiện tại Nga đã đáp trả, đôi khi một cách mạnh mẽ, đối với các cuộc tấn công xuyên biên giới nhưng không làm leo thang xung đột ở Ukraine. Họ tin rằng Nga sẽ không leo thang chừng nào các cuộc tấn công của Ukraine vẫn chủ yếu mang tính biểu tượng và không phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các mục tiêu có tầm quan trọng quốc gia.
Một mục tiêu mà Ukraine tấn công vào năm 2022 có tầm quan trọng quốc gia và là một trong các cơ sở hạ tầng quan trọng: Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đại lục Nga. Nga đã đáp trả bằng chiến dịch tấn công nhằm vào mạng lưới điện của Ukraine, một sự leo thang đáng chú ý trong cuộc xung đột.
Ngoài cầu Kerch, các cuộc tấn công mà Mỹ tin rằng do Ukraine hoặc các nhóm liên kết với Ukraine thực hiện ở các thành phố biên giới của Nga hoặc nhắm vào những người ủng hộ chính phủ Nga có tác động mang tính biểu tượng hơn là tác động trực tiếp đến cuộc xung đột./.