Mỹ không trừng phạt thêm Saudi Arabia: Vụ án nhà báo Khashoggi khép lại?
VOV.VN - Việc Mỹ không trừng phạt thêm Saudi Arabia vì không muốn “phá vỡ” quan hệ với nước này phải chăng là dấu hiệu cho thấy vụ nhà báo Khashoggi đã đến hồi kết?
Dù báo cáo của tình báo Mỹ nhận định rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có liên quan trực tiếp đến vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi, song Mỹ vẫn không áp đặt trừng phạt đối với người kế vị tương lai của cường quốc Arab này. Trước áp lực từ dư luận, hôm qua (1/2), cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đã lên tiếng lý giải nguyên nhân.
Đúng như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước báo chí, chính quyền Mỹ hôm qua đã có các buổi họp báo lý giải việc không trừng phạt Thái tử Saudi Arabia Mohammed.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, chính quyền nước này chỉ đang tìm cách “điều chỉnh lại”, chứ không phải là “phá vỡ” mối quan hệ với Saudi Arabia. Và nếu chính quyền Mỹ thực hiện “một bước nào đó kịch tính hơn và quyết liệt hơn” như trừng phạt Thái tử - điều đó sẽ “làm giảm đáng kể” ảnh hưởng của Mỹ đối với Saudi Arabia cũng như tại khu vực Trung Đông.
“Chúng tôi sẽ chú trọng vào các hành vi trong tương lai của Saudi Arabia. Đó là một phần lý do tại sao chúng tôi coi việc trừng phạt không phải là một sự phá vỡ, mà là một sự điều chỉnh lại mối quan hệ”, người phát ngôn Ned Price cho hay.
Cũng theo ông Ned Price, từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, đồng minh Saudi Arabia đã có “các bước đi đúng hướng” như thả nhà hoạt động nhân quyền, 2 công dân Mỹ cũng như gỡ bỏ phong tỏa với Qatar. Đó cũng là một phần lý do Mỹ không muốn một bước đi cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn xem xét lại các thỏa thuận bán vũ khí cho phía Saudi Arabia dựa trên lợi ích và “các giá trị Mỹ”, tức sẽ đề cao tính dân chủ và các quyền của con người tại quốc gia Hồi giáo này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi đồng minh Saudi Arabia giải tán Lực lượng can thiệp nhanh của Vệ binh Hoàng gia nước này, chấm dứt các hoạt động chống bất đồng chính kiến.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng đã có buổi họp báo, cho biết thêm, Mỹ vẫn có khả năng bảo lưu quyền trừng phạt Thái tử Saudi Arabia trong tương lai nếu thấy cần thiết.
“Tất nhiên, chúng tôi có quyền thực hiện bất kỳ lệnh trừng phạt nào, vào một thời điểm nào đó và cách thức là do chúng tôi lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các đời Tổng thống Mỹ, cả bên Dân chủ hay Cộng hòa, thường không áp trừng phạt với lãnh đạo các nước mà Mỹ có quan hệ ngoại giao”.
Phản ứng trước việc Mỹ không áp trừng phạt với Thái tử Saudi Arabia dù nhận định người này có liên quan trực tiếp đến việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10/2018, phía Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng hành động của Mỹ là một động thái “vô cùng nguy hiểm”.
Bà Agnes Callamard - người đứng đầu cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về vụ nhà báo Jamal Khashoggi cho biết, nếu thừa nhận tội lỗi của một nhân vật nào đó mà không có bất kỳ hành động nào như thể truyền đi 1 thông điệp “xin hãy tiếp tục như vậy”.
Còn tờ Washington Post, nơi nhà báo Jamal Khashoggi từng làm việc cũng đã chỉ trích hành động không trừng phạt của Mỹ đối với Thái tử Saudi Arabia, nhận định Tổng thống Mỹ đã không thực hiện lời hứa khi ra tranh cử, khi ông từng tuyên bố sẽ buộc quốc gia Arab này phải chịu trách nhiệm trong vụ việc.
Dù báo cáo của tình báo Mỹ về vụ việc là vậy, song Saudi Arabia những ngày qua đã luôn bác bỏ các nội dung “không đúng” trong đó. Mới nhất, hôm qua, Đại sứ Saudi Arabia tại Liên Hợp Quốc Abdallah Al-Mouallimi cho rằng, Mỹ không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vai trò của Thái tử trong vụ việc. Trên thực tế, Thái tử đã đưa những đối tượng liên quan ra trước pháp luật và cũng đã cam kết cải tổ cơ quan tình báo. Theo vị Đại sứ, vụ việc đã khép lại.
Trong khi đó, nhiều quốc gia Arab, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng đã lên tiếng ủng hộ quan điểm và lập trường của Saudi Arabia trong vụ việc này./.