Mỹ kiên quyết chấm dứt 6 tháng miễn trừ trừng phạt nhập dầu của Iran
VOV.VN - Chính phủ Mỹ yêu cầu các đối tác ngừng mọi hoạt động trao đổi với Iran trước ngày 2/5 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
6 tháng miễn trừ trừng phạt mà Mỹ dành cho 8 nước và vùng lãnh thổ hết hiệu lực từ ngày 2/5 này. Nhiều đối tác kinh tế lẫn đồng minh của Mỹ đang bị đẩy vào thế khó và quan hệ với Mỹ không tránh khỏi căng thẳng cũng như làm gia tăng bất ổn cho kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa: CFR. |
Quyết định của Mỹ mạnh tay hơn dự báo được cho là sẽ gây ra thách thức cho một số khách hàng mua dầu chủ chốt của Iran ở khu vực châu Á. Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngừng hoặc giảm mạnh khối lượng nhập khẩu dầu của Iran từ vài tuần nay nhưng cả hai nước vốn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ nhập khẩu nên động thái của Mỹ có thể gây căng thẳng cho 2 đồng minh then chốt ở Đông Bắc Á và đặt ra thách thức trong quan hệ thương mại cũng như chính sách ứng phó chung với Triều Tiên.
Rắc rối hơn cả là Ấn Độ, quốc gia đang chịu sức ép phải giảm nhập khẩu dầu của Iran và Venezuela. Iran không chỉ là nhà cung cấp dầu chính cho Ấn Độ mà 2 nước còn có bề dày quan hệ chính trị, văn hóa nên Ấn Độ rất khó thực hiện các nỗ lực của Mỹ cô lập Iran. Ấn Độ yêu cầu Mỹ tiếp tục gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt để có thời gian tìm nguồn cung cấp thay thế.
Trung Quốc, một khách hàng lớn của Iran, đã lên án quyết định của Mỹ, cho rằng, việc mua bán dầu là hoàn toàn hợp pháp, và Mỹ không thể biện minh cho quyết định ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran. Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể tìm cách né tránh lệnh trừng phạt thông qua các công ty không có quan hệ với hệ thống tài chính của Mỹ.
Tuy là đồng minh của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất đòi gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt vì quốc gia này là láng giềng với Iran, nên không thể cắt đứt quan hệ. Ngọai trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu tuyên bố, quyết định của Mỹ không giúp ích cho hòa bình, ổn định khu vực mà chỉ làm tổn thương người dân Iran.
Qatar thì cho rằng động thái trừng phạt đơn phương là “không khôn ngoan” vì có thể đe dọa các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ. Quan điểm của Qatar là các lệnh trừng phạt đơn phương sẽ không đem lại hiệu ứng tích cực để giải quyết khủng hoảng, mà thay vào đó giải pháp duy nhất phù hợp là đối thoại.
Ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Mỹ chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất với cam kết sẽ cộng tác chặt chẽ để đảm bảo ổn định trên thị trường dầu mỏ.
Về phần mình, giới chức Iran không ngừng đưa ra cảnh báo nước này có thể đóng cửa Eo biển Hormuz, một tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với nguồn cung dầu thế giới, đồng thời cảnh báo Mỹ "chuẩn bị lãnh hậu quả" nếu cố tình ngăn cản xuất khẩu dầu của Iran.
Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác mua dầu: “Người Mỹ sẽ phải chứng kiến trong những tháng tới đây, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu lửa. Chúng tôi phải xuất khẩu dầu bằng mọi cách có thể, trong quyền hạn của mình và sẽ chống đỡ trước các sức ép của Mỹ”.
Giới phân tích lo ngại rằng với nguồn cung đã bị thắt lại trên thị trường dầu lửa toàn cầu hiện nay, cộng thêm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu lửa Venezuela, thì động thái đối với Iran có thể dẫn tới một đợt tăng mạnh giá "vàng đen".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng mục tiêu của Mỹ là đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0, khiến nước này mất đi nguồn thu xuất khẩu dầu 50 tỷ USD mỗi năm. Giới chức Mỹ khẳng định mục đích của đòn tấn công này là buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như sự can thiệp của Iran trong các cuộc xung đột ở khu vực. Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ tiểm ẩn nhiều nguy cơ cho sự ổn định thị trường dầu lửa cũng như kinh tế thế giới.
Hiện tại, lệnh cấm nhập dầu áp đặt đối với Iran, Venezuela đã khiến nguồn cung trên thị trường thế giới giảm đi 2 triệu thùng mỗi ngày. Dù sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục lập kỷ lục, giá dầu thế giới đã tăng trên 30% từ đầu năm và tuần qua đứng ở mức cao nhất trong 6 tháng./.