Mỹ lạc quan phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu của Trump
VOV.VN - Quan chức Mỹ tin rằng, mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể đạt được ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/3 bày tỏ lạc quan rằng, phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể đạt được trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, mặc dù cuộc gặp Thượng đỉnh ở Hà Nội mới đây không đạt được thỏa thuận nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AP |
“Chúng tôi vẫn tin rằng, đó là điều có thể đạt được trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống và vẫn còn thời gian để làm điều đó. Chúng tôi đã thảo luận bao quát về lịch trình và đó là điều có thể làm được”. Quan chức này nói rằng, phía Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ với các đối tác Triều Tiên về mục tiêu phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.
“Điểm mấu chốt của vấn đề không phải là mất bao nhiêu ngày, mà sẽ là mức độ nhất trí của 2 bên về những bước đi cần thiết để phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách đầy đủ và có thể xác minh”.
Tuyên bố của quan chức Bộ Ngoại giao đưa ra trong bối cảnh cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuối tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, quan chức này vẫn nói rằng, 2 bên đều rời đi trong tâm trạng thoải mái.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, có thể sẽ mất tới 10 năm hay 15 năm để Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn toàn, và chính quyền của Tổng thống Trump đã đặt ra những mục tiêu quá cao.
“Vì các lý do kỹ thuật, có nhiều điều có thể làm được để giảm mối đe dọa quân sự hay việc sử dụng quân sự, nhưng việc loại bỏ tất cả các chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ khó hơn nhiều, vì bạn sẽ phải xác minh”, Siegfried Hecker, chuyên gia tại Đại học Stanford và đồng thời là cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico giải thích với CNN.
“Sẽ phải có một quá trình xác minh và chỉ riêng về mặt kỹ thuật thôi, đó cũng là điều không thể làm chỉ trong vòng 2 năm”, ông Hecker nói.
Ngoài khía cạnh chuyên môn của quá trính phi hạt nhân hóa, việc tạo ra một thỏa thuận cũng cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn chính trị.
Tuần trước, sau cuộc gặp Thượng đỉnh ở Việt Nam, một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng, hai bên đã thảo luận về mọi điều mà 2 bên thực sự muốn thảo luận. Nhưng quan chức này thừa nhận 2 bên vẫn chưa có chung định nghĩa cơ bản về phi hạt nhân hóa.
“Ở thời điểm này, quan điểm của 2 bên về phi hạt nhân hóa vẫn chưa đồng nhất, và đó là lý do cuộc đối thoại không đạt được kết quả. Không chỉ thế, việc thực hiện trong vòng 2 năm tới cũng nhiều khả năng không đạt được. Những gì chúng ta nên hướng tới là đồng nhất quan điểm về phi hạt nhân hóa và các bước thực hiện điều đó”, ông Joe Yun, cựu Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên cho biết.
Bản thân Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng, ông không vội vàng trong vấn đề phi hạt nhân hóa. “Các biện pháp trừng phạt vẫn còn đó, mối quan hệ rất tốt đẹp và đã có nhiều điều tốt đẹp diễn ra”, ông Trump nói.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/3 nói rằng, các lệnh trừng phạt đã có tác động nhất định tới nền kinh tế Triều Tiên và điều đó chứng tỏ nó đủ sức mạnh để khiến Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuần này nói rằng Mỹ sẽ bắt đầu xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Triều Tiên không cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”./.
Vụ nổ gây động đất ở Triều Tiên làm dấy lên nhiều nghi vấn
Phản ứng của các nước về nghi vấn Triều Tiên khôi phục cơ sở hạt nhân