Mỹ Latin trở thành tâm dịch Covid-19 mới, số ca mắc tăng “chóng mặt“

VOV.VN - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (22/5) tuyên bố Mỹ Latin đã trở thành tâm dịch Covid-19 mới trên thế giới.

Bất chấp tâm lý sẵn sàng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhiều nước, song cuộc khủng hoảng sức khỏe do Covid-19 tại khu vực vẫn diễn biến ngày một phức tạp. Brazil hôm qua (22/5) cũng đã chính thức vượt Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Mỹ Latin trở thành tâm dịch Covid-19 mới và Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Ảnh chụp màn hình.

Mặc dù bùng phát muộn hơn so với các khu vực khác khi ghi nhận ca mắc đầu tiên ngày 26/2, nhưng với tốc độ lây nhiễm sau 2 tuần lại tăng gấp đôi, tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ Latin đã trở thành điểm nóng của thế giới. Theo ông Michael Ryan, Người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng mặt tại nhiều nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil.

“Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch mới của Covid-19. Chúng ta đã chứng kiến số ca mắc ngày càng tăng tại nhiều quốc gia Nam Mỹ và vào thời điểm hiện nay Brazil vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền nhất. Tôi cũng lưu ý rằng, Chính phủ Brazil đã cho phép sử dụng rộng rãi hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19. Tuy nhiên các bằng chứng lâm sàng hiện nay không hỗ trợ cho việc sử dụng sản phẩm này trong điều trị Covid-19 cho đến khi các thử nghiệm được hoàn thành và cho kết quả rõ ràng”, ông Michael Ryan nói.

Với hơn 332.000 ca mắc Covid-19, Brazil đã chính thức vượt Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Số người chết vì dịch của quốc gia Mỹ Latin này lên tới hơn 21.000 người trên tổng số 210 triệu dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo con số thực tế cả về số ca nhiễm và số người chết có thể sẽ còn cao hơn do hệ thống xét nghiệm tại Brazil được đánh giá là vẫn còn chậm trễ và kém hiệu quả.

Brazil hiện vẫn chưa áp dụng phong tỏa toàn quốc, do đó nhiều chính quyền bang đã buộc phải ban hành các hạn chế đi lại tại địa phương mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Giám đốc Trung tâm Khẩn cấp Sao Paulo Dimas Covas thừa nhận:“Chúng ta đang bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19 và đây là một thực tế. Chúng ta sẽ không có những ngày nghỉ lễ cuối tuần, bởi chúng ta không được phép dừng chiến đấu. Đây cũng là những ngày quan trọng nhất trong cuộc chiến chống Covid-19”.

Ngoài Brazil, thì Peru hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latin với số ca nhiễm lên đến hơn 111.000  và số ca tử vong là hơn 3.000. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ ngày 16/3 và cũng đã 4 lần kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc.

Tại Mexico, một trong 2 quốc gia đông dân nhất khu vực, tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến trong vài ngày qua. Nước này hiện có tỷ lệ tử vong ở mức cao trên toàn cầu, khoảng 10%. Tuy nhiên, cũng giống như Brazil, Mexico không triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc ngoại trừ việc kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 31/5.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cuộc khủng hoảng sức khỏe tại Mỹ Latin là đặc biệt đáng lo ngại khi không chỉ Covid-19, mà khu vực cũng đang phải chiến đấu với một “đại dịch” không kém phần nguy hiểm là sốt xuất huyết, nhất là khi mùa mưa đang tới gần. Các ca sốt xuất huyết được xác nhận ở Mỹ Latin từ giữa năm 2019 và 2020 là hơn 3 triệu ca, trong đó có hơn 1.500 trường hợp tử vong.

Với sự bất bình đẳng xã hội cao và hệ thống y tế yếu kém, Mỹ Latin đang phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế-xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Ủy ban kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAl) của Liên Hợp Quốc dự báo, GDP của khu vực sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay, tồi tệ nhất kể từ năm 1930, trong khi dự kiến sẽ có thêm khoảng 11,5 triệu người mất việc làm trong năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên