Mỹ Latin trở thành tâm điểm mới của đại dịch Covid-19
VOV.VN-Với diễn biến dịch bệnh ở khu vực, khi làn sóng dịch thứ nhất chưa qua, Mỹ Latin có nguy cơ cao đối mặt với làn sóng thứ 2 dự kiến vào cuối tháng 10 tới
Hôm qua (20/5), Brazil ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỉ lục, với 19.951 ca chỉ trong vòng 24 giờ và thêm 888 ca tử vong. Ngoài Brazil, hàng loạt quốc gia khác trong khu vực cũng có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, đưa Mỹ Latin trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh.
Mỹ Latinh trở thành tâm điểm mới của đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Brazil tiếp tục ghi nhận thêm những con số kỉ lục về ca mắc và tử vong mới, tuy nhiên cách ứng phó của nước này với đại dịch Covid-19 cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Số liệu mới nhất cho thấy, hơn 293.000 người Brazil đã dương tính với SARS-CoV-2 và gần 19.000 ca tử vong do căn bệnh này, đưa Brazil vượt qua Italy, Anh, Tây Ban Nha về số ca mắc, hiện tại chỉ kém Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh đầy đủ tình hình bởi các cơ quan y tế Brazil đang bị quá tải và chưa thể xét nghiệm toàn diện. Hiện Brazil vẫn chưa có hướng dẫn toàn quốc về phong tỏa và điều này buộc các bang và thành phố phải tự đề ra các biện pháp tự đề phòng dịch bệnh. Trong khi đó, Tổng thống nước này Bolsonaro, với lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế đã liên tục thúc giục người dân tiếp tục làm việc như bình thường.
Trước thực trạng này, nghị sỹ Himberto Costa, Cựu Bộ trưởng Y tế Brazil nhận xét: "Tôi không đồng ý với các chính sách về Covid-19 của chính phủ, vì chính phủ không thực hiện vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị đoàn kết Brazil trong cuộc chiến này. Bộ Y tế không nói rõ hay phối hợp làm việc với các bang và thành phố. Chính phủ đang đánh lạc hướng xã hội và thậm chí đang bán ý tưởng về một loại thuốc thần kỳ để giải quyết vấn đề này. Điều này không phù hợp với thực tế”.
Sau Brazil, Peru trở thành vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latin với số ca mắc lên đến 104.020 người, tăng trên 4.500 ca trong 1 ngày. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ ngày 16/3, sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 vào ngày 6/3 và quốc gia Nam Mỹ cũng đã 4 lần kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc.
Ngoài Brazil và Peru, diễn biến dịch tại Mexico cũng khiến quốc tế lo ngại. Mexico cũng có một đặc điểm chung với Brazil đó là sự thiếu đồng nhất giữa chính quyền liên bang và địa phương trong chiến lược chống dịch và chính phủ hạ thấp cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Mexico không triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc ngoại trừ việc kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 31/5. Hiện nước này đã có 56.500 ca bệnh, trong đó gần 6.100 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tại Mexico ở mức cao trên toàn cầu, khoảng 10%. Đáng lo ngại hơn, mặc dù chưa kiểm soát được dịch, chính phủ Mexico đã lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế trong tháng 5 này.
Đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ Latin, thế giới bị “khuất tầm nhìn“
Với những diễn biến dịch bệnh tại khu vực, các chuyên gia lo ngại khi làn sóng dịch thứ nhất chưa qua, khu vực Mỹ Latin có nguy cơ cao tiếp tục phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai dự kiến xuất hiện vào cuối tháng 10 tới khi các biện pháp ngăn chặn được dỡ bỏ. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo Mỹ Latin cần từng bước cẩn trọng quay trở lại tình trạng bình thường mới để bảo vệ sức khỏe cũng như sinh kế của người dân.
Bà Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) nói: "Bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương là chìa khóa để giải quyết các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, xã hội, kinh tế và chiến thắng dịch bệnh. Chúng ta không thể ngăn chặn sự lây lan của virus nếu chúng ta không tập trung vào tất cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm cả những nhóm dân số dễ bị tổn thương”.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, để vượt qua được đại dịch, các nước trong khu vực cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như cần sự hỗ trợ tích cực của quốc tế./.