Mỹ lo tên lửa ATACMS không tạo ra khác biệt trên chiến trường Ukraine?
VOV.VN - Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng tên lửa tầm xa ATACMS mà Washington cung cấp cho Kiev có thể sẽ không đạt hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn máy bay Nga.
Theo RT, giới chức Mỹ đang lo ngại về tính hiệu quả của các tên lửa tầm xa nước này gửi cho Ukraine, nói rằng chúng có thể không phải là yếu tố tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc xung đột giữa Kiev với lực lượng Nga.
Vào tháng 9, Tổng thống Joe Biden đã đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa tác chiến lục quân MGM-140 (ATACMS) cho Ukraine, dù trước đó từng lo ngại rằng vũ khí này có thể khiến leo thang xung đột nếu Kiev sử dụng để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.
“Nỗi lo ngại về ATACMS hiện nay là chúng sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn như kỳ vọng vì Nga đang tìm cách đặt máy bay của họ ngoài tầm bắn của vũ khí”, tờ New York Times ngày 7/11 dẫn lời các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong nhiều tháng đã nhiều lần thuyết phục Mỹ cung cấp ATACMS, nói rằng việc tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của Nga là rất quan trọng. Ông Zelensky tuyên bố đã sử dụng tên lửa ATACMS lần đầu tiên vào ngày 17/10 và nói rằng chúng đã “chứng tỏ được hiệu quả”. Phiên bản ATACMS được gửi cho Ukraine có tầm bắn khoảng 160-165km, thay vì tầm bắn tối đa của hệ thống là hơn 300km.
Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cũng cho rằng, cho đến nay, các tên lửa ATACMS do Mỹ gửi cho Ukraine “rất hiệu quả”. Bà Markarova nói những tên lửa đó “tạo ra sự khác biệt trên chiến trường và chúng tôi càng có nhiều vũ khí thì chúng tôi càng có thể chuẩn bị cho chiến trường tốt hơn”.
Vào cuối tháng 10, lực lượng Nga tuyên bố đã đánh chặn hai tên lửa ATACMS. Ukraine đã sử dụng vũ khí này để nhắm vào các sân bay của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ATACMS sẽ chỉ “kéo dài nỗi đau” cho Ukraine và sẽ không phải là yếu tố thay đổi tình hình trên chiến trường, đồng thời khẳng định Nga có thể đẩy lùi những cuộc tấn công này.