Mỹ lôi kéo phương Tây đối phó Trung Quốc: Liệu có châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh mới?
VOV.VN - Khác với dự đoán về sự thận trọng từ các đồng minh của Mỹ, sự hình thành một lập trường chung cứng rắn đối với Trung Quốc khiến giới quan sát nhận định có khả năng châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Từ Hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cho đến Thượng đỉnh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU)…, Trung Quốc luôn là chủ đề được quan tâm và thảo luận nhiều nhất.
Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh G7 kết thúc hôm 13/6 đã thể hiện quan điểm thống nhất trong nỗ lực đối phó với ảnh hưởng toàn cầu đang ngày càng gia tăng cũng như cách hành xử bị cáo buộc đi ngược lại hệ thống và pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Nổi bật nhất trong tuyên bố chung của các nước G7 là Sáng kiến “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19, sáng kiến quan trọng để cạnh tranh với “Vành đai, con đường” (BRI) mà Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy. Truyền thông Trung Quốc sau đó cho rằng, các nước G7 đang thúc đẩy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm vào Bắc Kinh.
Một ngày sau đó (14/6), tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho rằng, không có Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc nhưng liên minh cần phải thích ứng với sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
"Chúng tôi không bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và Trung Quốc không phải là đối thủ, không phải kẻ thù của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng ta cần cùng nhau giải quyết, với tư cách là liên minh, những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra đối với an ninh của chúng ta".
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, NATO chỉ đích danh Trung Quốc là một thách thức an ninh thường trực và những hành động của nước này đang hủy hoại trật tự toàn cầu. Cũng trong hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định hiệp ước phòng thủ lẫn nhau của NATO là một “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với Mỹ. Đây là một sự thay đổi rõ ràng trong giọng điệu và quan điểm của Biden so với người tiền nhiệm, từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO.
Trong khi đó, Thượng đỉnh Mỹ - EU hôm nay (15/6) cũng cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc công nghệ là động lực thúc đẩy việc thành lập Hội đồng công nghệ và Thương mại EU-Mỹ. Giới chức châu Âu hy vọng, việc thành lập cơ chế này sẽ giúp phương Tây duy trì sức cạnh tranh với Trung Quốc về khoa học công nghệ.
Đánh giá về chính sách đối với Trung Quốc của phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ, giáo sư khoa học chính trị John Mearsheimer, Đại học Chicago, Mỹ nhận định: “Đây thực sự là phiên bản Trump 2.0. Điều này rất thú vị. Nhiều người nghĩ là ông Biden sẽ quay lại chính sách Trung Quốc dưới thời Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush và đặc biệt là Tổng thống Obama. Tuy nhiên, điều diễn ra là ông Biden gần như đã tiếp bước người tiền nhiệm. Không có bằng chứng nào cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa ông Biden và ông Trump. Khác biệt duy nhất là ông Biden đã phối hợp với các đồng minh tốt hơn nhiều so với ông Trump”.
Về phía Bắc Kinh, nước này cáo buộc NATO đang tạo thế đối đầu và kêu gọi ngừng thổi dưới bất kỳ hình thức nào thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc”. Trước đó, Trung Quốc cũng kêu gọi các nước G7 không chính trị hóa nguồn gốc đại dịch Covid-19, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ và làm tổn hại lợi ích của nước này. Có thế thấy rằng, chính quyền của Tổng thống Biden đã phần nào thành công trong việc lôi kéo các nước phương Tây hình thành một lập trường chung chống Trung Quốc. Mặc dù nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục căng thẳng và khốc liệt hơn trong thời gian tới./.