Mỹ mạnh miệng nhưng vẫn lựa chọn biện pháp ngoại giao với Triều Tiên
VOV.VN - Bất chấp dùng lời lẽ cứng rắn đe dọa mạnh tay, Mỹ vẫn lựa chọn xử lý vấn đề trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 15/10 xác nhận Tổng thống Donald Trump vừa yêu cầu ông tiếp tục các biện pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng và hoạt động này sẽ chỉ dừng lại chừng nào “quả bom đầu tiên được thả”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: BBC.
Xuất hiện trong một chương trình của hãng tin CNN, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định, Tổng thống Donald Trump không muốn tìm cách chiến tranh với Triều Tiên và rằng Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề này.
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra giữa lúc căng thẳng Mỹ-Triều Tiên đang tiếp tục leo thang khi hai bên liên tiếp có những phát ngôn cứng rắn nhằm vào nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí mới đây còn lên tiếng đe dọa rằng Mỹ có thể hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu cần thiết.
Ông Tillerson dường như vừa nói giảm đi những phát ngôn mạnh miệng trước đây của Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt khi hải quân Mỹ- Hàn Quốc hôm nay 16/10 bắt đầu khởi động một cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài 5 ngày tại các khu vực ngoài khơi phía Đông và phía Tây bán đảo này.
Quân đội Mỹ tin rằng cuộc tập trận lần này có thể thúc đẩy Triều Tiên có những hành động mới. Nhật báo The Dong-A Ilbo của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin chính phủ nước này cho biết, tình báo Mỹ và Hàn Quốc vừa phát hiện được các dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho các vụ thử tên lửa mới.
Một vệ tinh của Mỹ còn ghi lại được hình ảnh các tên lửa đạn đạo đặt trên bệ phóng được di chuyển khỏi một nhà chứa đâu đó gần Bình Nhưỡng và tỉnh Bắc Pyongan.
Các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa liên tiếp thời gian qua của Triều Tiên đã gây ra những căng thẳng trên toàn cầu, buộc Liên Hợp quốc phải áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt. Một kế hoạch giảm thiểu căng thẳng được đề xuất bởi Nga và Trung Quốc bao gồm việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, đồng thời Hàn Quốc và Mỹ ngừng tập trận đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho đối thoại đa phương, tuy nhiên không bên nào chấp thuận.
Bất chấp việc Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun vừa đưa ra lời kêu gọi Triều Tiên nối lại đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của nước này, nhưng Triều Tiên từ chối đàm phán với Hàn Quốc với lý do đang bị gây sức ép bởi Mỹ. Phía Triều Tiên cáo buộc, việc Mỹ liên tục tạo áp lực lên Bình Nhưỡng và cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn là nguyên nhân chính dẫn đến việc các điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại như vậy không được đáp ứng.
Trước tình thế này, Nga vừa hối thúc giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc sử dụng cơ hội cùng tham dự trong một sự kiện tại Saint Petersburg) trong ngày 16/10 để trao đổi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Chủ tịch thượng viện Nga bà Valentina Matviyenko nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, giải thích về tầm quan trọng của cuộc đối thoại, họ nên cố gắng ngồi vào bàn đàm phán, bắt đầu một cuộc đối thoại và tìm cách thỏa hiệp."
Tuy nhiên, truyền thông Nga hôm qua dẫn lời một thành viên giấu tên thuộc phái đoàn Triều Tiên cho biết, các chính trị gia của Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào tại Nga trong ngày hôm nay (16/10) liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi.
Sau thái độ kiên quyết của Triều Tiên khi thẳng thừng bác bỏ đàm phán với Hàn Quốc, bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục nóng lên với việc giới chức Triều Tiên tiếp tục khẳng định cần phải phát triển hạt nhân và tên lửa để đối phó với nguy cơ bị Mỹ hủy diệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên An Tong Chun nhấn mạnh: “Triều Tiên đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến sự tồn vong của mình. Chúng tôi có thể bị Mỹ hủy diệt. Lịch sử cho thấy chúng tôi cần bảo vệ chương trình hạt nhân của mình nhằm bảo đảm nền độc lập của Triều Tiên”.
Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên cùng đe dọa hủy diệt đối phương, vào thời điểm này, giới chuyên gia nhận định, khó có thể dự đoán bên nào sẽ ra tay trước. Dẫu vậy, việc căng thẳng hai bên bị đẩy lên mức quá nóng như hiện nay cũng khiến dấy lên lo ngại tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng thêm tệ hại. Bởi bất kỳ quyết định vội vã nào của mỗi bên cũng có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Chẳng vậy mà, dù đã nhiều lần đề cập tới giải pháp quân sự, nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa thực sự tiến hành được một cuộc chiến phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Phải chăng Mỹ còn lo ngại điều này có thể khiến Triều Tiên có cớ và được đà lấn tới, khi ấy những lựa chọn của Washington trong việc hành xử với Bình Nhưỡng sẽ thu hẹp lại./.